Bệnh nhân Bùi Văn Hùng ở Ninh Bình (33 tuổi) có tiền sử hút thuốc lá 15 năm nay, anh đã nhiều lần có ý định bỏ thuốc nhưng bất thành và chỉ đến khi được chẩn đoán mắc ung thư phổi đã di căn, bệnh nhân này mới chính thức bỏ thuốc.
Anh đã được làm sinh thiết và chờ phác đồ điều trị từ bác sĩ. Đây cũng là thực trạng chung của phần lớn các bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại bệnh viện K hiện nay.
“Thời điểm hút thuốc lá nhiều nhất, mỗi ngày từ 1-2 bao, tôi chỉ bỏ hẳn khi phát hiện ra bệnh. Các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, một là do hút thuốc lá từ lâu, hai là do hút thuốc lá điện tử. Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ rằng, hãy tránh xa thuốc lá, đặc biệt, ai đang hút thuốc lá muốn bỏ là bỏ luôn chứ đừng sử dụng thuốc lá điện tử”, anh Hùng chia sẻ.
Tại khoa Phẫu thuật lồng ngực bệnh viện K, phần lớn các bệnh nhân ung thư phổi vào đây khi điều tra dịch tễ đều có tiền sử hút thuốc lá trong nhiều năm. Đây được xác định là nguyên nhân chính của bệnh lý ung thư phổi và những bệnh nhân này chỉ bỏ thuốc khi biết mình đã mắc ung thư.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tại Việt Nam, riêng năm 2020, cả nước có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, trong đó, 90% người mắc bệnh là do thói quen hút thuốc lá.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, trong khói thuốc có rất nhiều chất độc hại, khi con người trực tiếp hít vào sẽ gây tổn hại đến phổi, tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 13 lần so với người thường. Không chỉ vậy, đây là bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn sớm, triệu chứng rất mơ hồ hoặc không có triệu chứng, gây khó khăn cho việc điều trị. Dẫn đến bệnh chỉ được phát hiện và điều trị ở giai đoạn cuối, kết quả điều trị thấp, tỷ lệ biến chứng gây tử vong rất cao.
TS. Bác sĩ Nguyễn Khắc Kiểm, PGĐ Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện K cho biết, nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt, khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
“Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, 90% bệnh nhân ung thư phổi là do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc mà có thể họ đã tiếp xúc với một lượng đáng kể khói thuốc lá”, BS. Nguyễn Khắc Kiểm cho cho biết.
Bệnh viện K đã ghi nhận không ít bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.
Bên cạnh là nguyên nhân chính gây bệnh lý ung thư phổi và một số bệnh lý ung thư khác thuộc vùng đầu cổ thì những bệnh nhân mắc ung thư phổi có nghiện thuốc lá còn khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn so với các bệnh nhân ung thư không hút thuốc.
Các chuyên gia Bệnh viện K nhấn mạnh, thuốc lá vô cùng độc hại và nó có mối liên hệ mật thiết với bệnh lý ung thư và tim mạch, hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người hút mà còn ảnh hưởng đối với những người không may hít phải khói thuốc lá thụ động.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Ngoài ra, việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường nhất là khu công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả./.