Chiếc cặp màu đen căng phồng trông không có vẻ gì liên quan đến “quả bóng hạt nhân”. Manh mối duy nhất cho thấy tầm quan trọng của nó là nó không bao giờ rời khỏi bàn tay của một phụ tá quân đội bên cạnh tổng thống Mỹ.

Bên trong chiếc cặp này là những mật mã và kế hoạch tối mật cho phép tổng thống ra lệnh tấn công hạt nhân và chọn mục tiêu ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Ở Nhà Trắng, tổng thống có Phòng Tình huống an toàn, nơi ông có thể ra lệnh chiến tranh và liên lạc với các nhà lãnh đạo quân sự.

Nhưng khi Tổng thống Joe Biden không có ở Nhà Trắng, mà tới những nơi khác, chẳng hạn như Puerto Rico, Florida, New York, New Jersey hay Maryland…, “quả bóng hạt nhân” luôn được mang đi cùng ông.

“Quả bóng” và “bánh quy”

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Nga và phương Tây đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân “Armageddon” lớn nhất kể từ Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba cách đây 40 năm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ sử dụng “mọi biện pháp có sẵn” để bảo vệ người dân và lãnh thổ. Mỹ và các đồng minh trong NATO coi tuyên bố này là lời đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân.

Sự đáp trả của Mỹ, nếu xảy ra, có thể được thực hiện từ trong chiếc limousine “Quái thú” (Beast), hoặc trên chuyên cơ Không Lực Một, hoặc ở một boongke bí mật.

Hoặc bất cứ nơi đâu “quả bóng” và tổng thống Mỹ đang xuất hiện cùng lúc.

Công chúng bắt gặp hình ảnh “quả bóng” - có tên gọi chính thức là Túi đựng đồ khẩn cấp của Tổng thống, kể từ khi một phụ tá mang chiếc cặp này theo sau Tổng thống John F. Kennedy tại tư dinh bên bờ biển của ômg ở Hyannis Port, Massachusetts, vào năm 1963.

Trong một dịp khác, chiếc cặp cũng được mang bên cạnh Tổng thống Ronald Reagan đến Quảng trường Đỏ trong hội nghị thượng đỉnh của ông với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1988.

Kín đáo hơn và cũng được gọi bằng cái tên “chẳng liên quan gì” nhưng lại là là yếu tố quan trọng trong việc kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân: đó là “bánh quy” (biscuit).

Nếu “quả bóng” chứa các kế hoạch chiến tranh, thì “bánh quy” chứa các mật mã, được gọi là Mã Vàng, mà tổng thống có thể tự nhận dạng và thực hiện lệnh.

Có kích tước như một chiếc thẻ tín dụng, “bánh quy” được tổng thống mang theo mọi lúc.

Mặc dù cực kỳ bí mật, cực kỳ an toàn, nhưng cả “quả bóng” và “bánh quy” đều từng có những tai nạn bất ngờ.

Tổng thống Bill Clinton được cho là đã từng để thất lạc “bánh quy” của ông. Trong khi đó, “bánh quy” mà Tổng thống Reagan mang theo vô tình bị lẫn vào đống quần áo mà người ta cởi cho ông tại bệnh viện trước khi tiến hành phẫu thuật 1981 do bị bắn.

Khi đám đông những người ủng hộ ông Donald Trump xông vào Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, Phó Tổng thống Mike Pence phải sơ tán đến nơi an toàn - cùng với một phụ tá quân đội nắm giữ “quả bóng” dự phòng, cũng luôn đồng hành với nhân vật số 2 của Mỹ.

Không có “nút bấm”

Chuỗi mệnh lệnh để thực hiện tấn công hạt nhân không thể ngắn gọn hơn.

“Tổng thống Mỹ có thẩm quyền duy nhất để cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ”, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho hay.

Tổng thống phải tự thực hiện việc nhận dạng (với các mật mã “bánh quy”) và ông ấy có thể thảo luận về các lựa chọn với các quan chức hàng đầu của quân đội. Các cố vấn sau đó sẽ được yêu cầu truyền và thực hiện các lệnh cho phép sử dụng hạt nhân.

Lệnh sẽ chuyển qua các cấp bậc để các quân nhân điều khiển các thiết bị trong silo, tàu ngầm hoặc trên không.

Trong một bản ghi nhớ trước Quốc hội vào năm 2021, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, nói rằng ngay cả ông cũng không nằm trong “chuỗi chỉ huy” – mà chỉ nằm trong “chuỗi liên lạc”.

Tổng thống không có nút bấm nào để “bấm nút” và bất cứ điều gì ông ra lệnh vẫn phải chuyển qua nhiều người trước khi trở thành hiện thực.

Các quân nhân Mỹ được yêu cầu không tuân thủ mệnh lệnh bất hợp pháp. Năm 2017, ông John Hyten, khi đó là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, cho biết giới chức Mỹ đã suy nghĩ rất nhiều về những điều này.

“Nếu đó là mệnh lệnh bất hợp pháp, hãy đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ nói, ‘Thưa Tổng thống, điều đó là bất hợp pháp’. Và ông ấy sẽ làm gì? Ông ấy sẽ hỏi, ‘Điều gì là hợp pháp?’ Sau đó chúng tôi sẽ đưa ra các lựa chọn với các khả năng tương ứng để ứng phó với bất kỳ tình huống nào. Đó là cách thức quy trình hoạt động”, ông Hyten nói.

Trong một tình huống hy hữu, về mặt lý thuyết, Nội các có thể can thiệp để tước bỏ quyền lực của tổng thống bằng cách viện dẫn Tu chính án 25.

Điều đó chưa từng xảy ra, mặc dù đã có các cuộc thảo luận cấp cao về vấn đề này trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, nhiều khả năng chỉ có một sự thay đổi không quá lớn trong chuỗi chỉ huy đối với các thủ tục đã được lên kế hoạch.

Theo cách này, ngày 19/11/2021 đã trở thành một ngày lịch sử: Khi ông Biden được gây mê để phẫu thuật nội soi, Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành người phụ nữ đầu tiên của Mỹ giữ chức tổng tư lệnh - người giữ chiếc “bánh quy” và “quả bóng” trong 85 phút./.