Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M Nga; Nguồn: defencetalk.com |
Chiến lược của Nga và Mỹ về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bố trí trên đất liền rất khác nhau. Đối với Nga, ICBM bố trí trên đất liền là lực lượng tấn công chủ yếu, là thành tố chính của bộ ba hạt nhân. Từ thập niên 1960, hơn một chục kiểu tên lửa, cả phóng từ hầm phóng (silo) và cả cơ động, đã được phát triển. Các thiết bị phóng được lắp cả trên khung gầm xe bánh lốp (Temp, Topol, Yars) lẫn trên các đoàn tàu hỏa (Molodets). ICBM mạnh nhất được đưa vào trang bị cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga là RS-20 V Voevoda (định danh NATO là SS-18 Satan) do Phòng Thiết kế Yuzhnoye thiết kế - chế tạo và được đưa vào trang bị năm 1988.
Đây là tên lửa nhiên liệu lỏng hai tầng, có công suất lớn nhất trong tất cả các ICBM đang có trên thế giới với trọng lượng phóng trên 211 tấn, trọng lượng các khối chiến đấu nặng 8 tấn. Tầm phóng tùy thuộc vào kết cấu tên lửa - và có thể lên tới 16.000km. Tổng công suất của một đầu đạn nhiệt hạch có thể lên tới 8 Mt - nếu đó là đầu đạn đơn công suất 8 Mt, hoặc 10 đầu đạn phân tách gắn hệ thống lái dẫn riêng biệt công suất 100 Kt mỗi đầu đạn.
Còn với Mỹ, cấu phần chủ yếu của sức mạnh răn đe là tên lửa đạn đạo phóng từ biển, bố trí trên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Các tên lửa nhiên liệu rắn Minuteman-III đã được bố trí trong hầm phóng từ những năm 70 thế kỷ trước; hiện nay, có khoảng 450 ICBM Minuteman-III đang trực chiến. Định kỳ, chúng được “trẻ hóa” từng phần bằng cách thay thế một số cơ cấu điện tử mới. Nhiên liệu rắn hết hạn sử dụng của tên lửa đã được thay hai lần và các đầu đạn được thay một lần. Nhờ các giải pháp hiện đại hóa, số tên lửa ICBM này có thể sử dụng đến năm 2030. Mặc dù chúng đã khá lạc hậu, nhưng với số lượng lớn - vượt quá khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Moscow và Vùng trung tâm là A-135 Amur.
Thử nghiệm Minuteman-III tại Marshall Islands; Nguồn: reddit.com |
Khả năng phòng thủ của Minuteman-III khiêm tốn hơn Voevoda nhiều, nguyên do một phần là trọng lượng đầu đạn của một tên lửa Minuteman- III chỉ là 1.100kg, nhỏ gấp 8 lần so trọng lượng đầu đầu đạn của Voevoda. Tuy nhiên, các hệ thống phòng thủ tên lửa không dậm chân tại chỗ, Mỹ đang hoàn thiện các tổ hợp tên lửa đánh chặn. Một trong số đó là tên lửa đánh chặn ba tầng bố trí trên đất liền GBI (Ground-Based Interceptor) - những tên lửa đánh chặn nằm trong thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ (NMD).
Đầu đạn tên lửa của GBI đánh chặn theo nguyên lý động học EKV (Exoatmospheric Kill Vehicle), rất hiệu quả dù cực kỳ đắt đỏ. Hiện tại Mỹ mới chỉ có trong trang bị 48 “tên lửa đánh chặn vũ trụ” loại này (44 quả bố trí ở Alaska và 4 quả ở California), đến giữa thập niên tới, dự định sẽ nâng tổng số lên 78 quả. Số lượng này vẫn quá ít, không đủ để đánh chặn thành công một cuộc tấn công ồ ạt. Mỹ đã đạt được những thành tựu rất đáng kể trong lĩnh vực đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis và tổ hợp đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD. Hiện nay, các hệ thống này mới chỉ có khả năng đánh chặn các tên lửa tầm trung không được trang bị các phương tiện chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa, và vẫn đang được tiếp tục phát triển.
Từ thực tế đó, ICBM Voevoda hiện đang đủ khả năng vượt qua được NMD của Mỹ, nhưng khả năng đó sẽ không được duy trì được mãi. Sẽ đến lúc nó phải được thay thế bằng một loại tên lửa khác tiên tiến hơn. Voevoda đã bước qua tuổi 40, và để thay thế Voevoda, Sarmat đã được Phòng thiết kế Miass mang tên Makeev - vốn rất nổi tiếng với các tên lửa trang bị cho tàu ngầm chiến lược, có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế tên lửa nhiên liệu lỏng - phát triển. Không hiện đại hóa Voevoda mà chế tạo hoàn toàn mới, Sarmat có các khả năng tác chiến vượt xa Voevoda.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat Nga trong một cuộc tập trận; sputniknews.com |
Với trọng lượng phóng nhỏ hơn (208 tấn so với 211 tấn), nhưng Sarmat mang đầu đạn có trọng lượng lớn hơn đáng kể (10 tấn so với 8 tấn). Tên lửa Sarmat có khả năng đưa đầu đạn 10 tấn vượt khoảng cách 18.000km. Chưa hết, nó có khả năng thực hiện chức năng “tấn công quỹ đạo”, với tốc độ chỉ thấp hơn tốc độ vũ trụ một ít và có thể tấn công lãnh thổ Mỹ (tất cả các ICBM của lực lượng kiềm chế hạt nhân Nga đều hướng đến khu vực này) không chỉ qua Bắc Cực, mà còn có thể bay qua Nam Cực - hướng mà Mỹ không có các hệ thống phòng thủ tên lửa để đánh chặn.
Cả tên lửa và các đầu đạn phân tách có thể tự dẫn (có thể 10 đầu đạn với tổng công suất 8 Mt) đều được trang bị các phương tiện chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa. Cũng giống như ở Voevoda, các mục tiêu giả bay quanh tên lửa và các đầu đạn. Các khoảng bay chủ động ngắn giúp nâng cao khả năng bảo vệ và khó bị đánh chặn. Sau khi tiến hành các thử nghiệm từng phần, mỗi ICBM Sarmat sẽ được lắp ba đầu đạn chiến đấu Avangard. Lúc này không cần các mục tiêu giả nghi binh, bởi vì các phương tiện đánh chặn hiện có và sẽ có đều không có khả năng đánh chặn chúng. Các Avangard bay đến mục tiêu với tốc độ siêu thanh và liên tục cơ động./.