Liên quan đến vụ việc học sinh 6 tuổi của trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe, trưa nay (7/8), tại cuộc họp báo thông tin về vụ việc, ông Trần Văn Hóa, Phó trưởng công an quận Cầu Giấy cho biết, Cơ quan CSĐT Công an quận đã ra Quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, theo điều 128 - BLHS.

cong_an_cau_giay_plmy.png
Phó trưởng công an quận Cầu Giấy - Trần Văn Hóa. (Ảnh: Nguyễn Ngân)

Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đang làm việc với những người có liên quan, củng cố tài liệu, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, đây là vụ việc rất thương tâm xảy ra từ việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm kiểm tra, kiểm đếm khi đưa đón các cháu học sinh đến trường bằng phương tiện ô tô dẫn tới để quên 1 cháu trên xe làm cháu bé bị tử vong.

Theo nhận định của Luật sư Diệp Năng Bình, trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên ở đây là cô giáo, người đã trực tiếp đón nhận cháu bé. Với trách nhiệm của mình, cô giáo đón học sinh buộc phải nhớ và bàn giao cháu bé cho cô giáo chủ nhiệm và kiểm tra phát hiện trên xe có cháu nào chưa xuống hay không? Tiếp đến là cô giáo chủ nhiệm trong việc thông tin kịp thời đến gia đình khi học sinh không đến trường.

Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ, trong quá trình đi công tác, mặc dù di chuyển bằng xe khách nhưng khi đến các điểm để dừng chân, hành khách còn kiểm tra nhau và thông báo cho phụ xe hoặc tài xế khi thấy người ngồi cạnh mình chưa lên. Trong hoàn cảnh này, đây là môi trường học tập lại theo tiêu chuẩn quốc tế, trên xe chỉ có 11 cháu thì không lý gì cô giáo khi xuống xe lại không kiểm tra và đưa các cháu xuống xe một cách an toàn. Việc đưa ra lý do phải chăm sóc 2 cháu bé khác vì các cháu quấy khóc, cũng chỉ là ngụy biện. 

Vì vậy trong hoàn cảnh này, theo luật sư Diệp Năng Bình, cho dù với lý do gì thì cô giáo đưa đón học sinh cũng phải phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi vô ý làm chết người do mình gây ra: “Đó là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước” - ông Diệp Năng Bình chia sẻ.

Một người đàn ông bế em L. (trong trạng thái cơ thể đã cứng) từ ô tô vào trong phòng y tế - Ảnh trích xuất từ camera

Theo luật sư Diệp Năng Bình, mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người quá rõ ràng.

“Tội vô ý làm chết người được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) như sau: "1- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Điều 128)” - luật sư Diệp Năng Bình nói.

Luật sư Bình chia sẻ thêm, thông tin mới nhất được biết là cô giáo chủ nhiệm đã có thông báo về sự vắng mặt của cháu cho Ban Quản trị. Thế nhưng khi Ban quản trị tiếp nhận thông tin đã không liên lạc với phụ huynh để kiểm tra ngay lập tức. Nếu Ban quản trị không tắc trách thì có lẽ hậu quả không xảy ra. Do vậy, trong trường hợp này, ai là người đã tiếp nhận thông tin cũng sẽ phải chịu Trách nhiệm hình sự về tội này./.

BOX: Điều 128. Tội "Vô ý làm chết người" quy định:

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.