Chứng minh thư nhân nhân 9 số bắt đầu được sử dụng từ năm 1957 và qua 3 lần thay đổi. Đã có rất nhiều rắc rối và cả những chuyện bi hài về chứng minh thư bằng giấy như: mờ hết số, mất chữ hay quăn, nhàu vì không may bị nhúng nước. Sau đó thì thẻ căn cước công dân có mã vạch 12 số được thay thế cho loại 9 số. Thẻ được làm bằng chất liệu nhựa bền cùng với thời gian.
Mỗi sự thay đổi đều mang lại ít nhất một hoặc nhiều lợi ích nào đó cho công dân và cho cả công tác quản lý nhà nước. Vậy, lần này, với đề xuất của Bộ Công an về việc thực hiện cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thay cho thẻ căn cước của công dân có mã vạch đang thực hiện có gì khác? Hay nói một cách khác, thẻ căn cước công dân gắn chíp mang lại lợi ích gì hơn so với thẻ hiện hành.
Hình minh họa. |
Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an trao đổi với PV VOV để giải đáp các thắc mắc xung quanh câu chuyện này.
PV: Thưa ông, thẻ căn cước công dân có gắn chip khác gì so với căn cước công dân có mã vạch hiện nay?
Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có mức độ bảo mật cao nên các thông tin định danh của công dân được lưu trên chip không thể thay đổi. Thẻ căn cước công dân gắn chip về cơ bản cũng giống như thẻ căn cước công dân mã vạch. Tuy nhiên, trên thẻ công dân sẽ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch và nó sẽ thay thế bằng chíp. Con chíp được sử dụng trên thẻ căn cước công dân có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm có thể bổ sung các thông tin của các ngành, lĩnh vực khác.
Dự kiến trong tương lai, ngoài dữ liệu do ngành công an đang quản lý gồm có 20 trường thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, nơi thường trú,...có thể bổ sung tích hợp thêm các dữ liệu của các ngành như ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, GPLX...vào thẻ căn cước công dân có gắn chip. Đặc biệt, loại thẻ căn cước công dân có gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay, và sinh trắc học.
Đó chính là những dữ liệu mà thẻ căn cước công dân mã vạch không lưu được. Thẻ căn cước công dân gắn chip là một xu thế mà nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng cũng như tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến dịch vụ của Chính phủ điện tử.
PV: Vì sao thời điểm này chúng ta lại đặt ra câu chuyện là cần phải chuyển đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip để thay thế cho thẻ mã vạch?
Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Thẻ căn cước công dân mã vạch đã được Bộ Công an triển khai từ năm 2012 và hiện nay đã triển khai cấp tại 16 địa phương trên cả nước. Từ 8 năm triển khai này, Bộ An cấp được 16.000.000 thẻ căn cước mã vạch.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy, mã vạch hai chiều hiện nay trên thẻ căn cước công dân không phát huy được lợi thế khi tích hợp thêm các thông tin kết nối với các cơ sở dữ liệu của các ngành khác phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính của công dân.
Vì thế, hiện nay Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ chủ trương về xây dựng dự án sản xuất cấp và quản lý công dân có gắn chip thay cho căn cước công dân có mã vạch như hiện nay nhằm tối ưu khả năng bảo mật. Đồng thời, đảm bảo sự thuận tiện cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước công dân. Thẻ công dân gắn chip giúp định danh công dân một cách chính xác. Trong chíp, ngoài các thông tin như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, còn lưu các thông tin về sinh trắc học như khuôn mặt, vân tay, mống mắt,... Tương lai Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ để ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong thẻ căn cước công dân có gắn chip.
PV: Nhiều người dân hiện nay cũng đang băn khoăn việc chúng ta đang tiến hành chuyển đổi sổ hộ khẩu giấy sang quản lý cư trú dựa vào số định danh cá nhân cũng như đang tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vậy theo ông, tính liên thông thể hiện như thế nào giữa hai hình thức quản lý này ?
Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Dự thảo luật Cư trú sửa đổi bổ sung theo hướng bỏ quy định về sổ hộ khẩu, giấy và sổ tạm trú giấy để thay thế bằng phương thức quản lý điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thông qua mã số định danh cá nhân.
Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân. Đây là những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Ví dụ như: chi phí do phải đi lại, chi phí công chứng các thủ tục giấy tờ. Việc thay đổi hình thức quản lý này không chỉ đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, tiết kiệm chi phí cho công dân mà còn góp phần bảo đảm công tác quản lý dân cư của Nhà nước được chặt chẽ hơn, khắc phục được những bất cập khó khăn trong công tác quản lý dân cư. Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, bảo đảm vận hành chính thức vào tháng 7/2021 và phù hợp với thời gian dự kiến khi hiệu lực của Luật Cư trú sửa đổi.
Theo đó, khi cơ sở dữ liệu quốc gia di cư đi vào hoạt động, công dân thay đổi nơi cư trú thì chỉ cần đến cơ quan công an thông báo và đọc thông báo số định danh cá nhân của công dân cho cơ quan công an thì cơ quan công an sẽ tiến hành cập nhật các thông tin của công dân vào trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư bằng hình thức qua các phương tiện điện tử.
PV: Trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư cũng như phát triển về số định danh cá nhân, vậy việc áp dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip thì có khác biệt gì so với thẻ căn cước công dân 12 số và mã vạch hiện nay, thưa ông?
Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Thẻ căn cước công dân có gắn chip có độ bảo mật cao hơn. Trên thế giới có nhiều nước đang sử dụng và lưu trữ được nhiều trường thông tin và có thể bổ sung thêm các trường thông tin của nhiều ngành nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt hơn, độ bảo mật của chip điện tử sẽ được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Khi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp được đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân khi đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khác mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân gắn chip thì sẽ thực hiện các giao dịch.
Bộ Công an tính toán gắn chip thẻ căn cước công dân cũng nhằm mục đích tính toán đến việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính giữa các Bộ, ngành với nhau.
PV: Mỗi sự thay đổi đều có những tính toán nhất định về lợi ích và trong câu chuyện này có lẽ chúng ta tính cả hai phía đã là lợi ích của người dân và hiệu quả quản lý của Nhà nước. Vậy thì cụ thể cơ quan đề xuất chính sách này đã tính toán ra sao vì những lợi ích này, thưa Trung tá?
Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử thay cho thẻ căn cước mã vạch mã được đặt ra khi xây dựng luật căn cước công dân năm 2014. Tuy nhiên, lúc đó là trong nước chúng ta chưa tự chủ được công nghệ sản xuất thẻ chip phụ thuộc vào bên ngoài và Bộ công an tính toán đến việc tính bảo mật không được cao.
Thứ hai, chi phí để sản xuất thẻ chíp khi đó sẽ rất cao thì nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ không đảm bảo đáp ứng được. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của công nghệ và công nghệ thông tin thì các doanh nghiệp của Việt Nam có thể chủ động sản xuất được các loại thẻ chíp với giá thành rẻ và có tính bảo mật phục vụ cho các các cơ quan quản lý nhà nước Tại Việt nam.
PV: Có nhiều ý kiến người dân cho rằng, chúng ta đang triển khai thẻ căn cước công dân mã vạch mới được 16.000.000/ 90.000.000 dân số. Bây giờ chúng ta lại chuyển sang một hình thức mới, nhiều người dân tâm tư khi xuất hiện tâm lý sao cứ phải chạy theo chính sách và có những thủ tục thay đổi làm phiền hà người dân. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Việc chuyển đổi thẻ căn cước công dân mã vạch sang thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ không có sự bất kỳ sự phiền hà hay bất tiện gì đối với công dân. Công dân đang sử dụng thẻ công dân có mã vạch, nếu còn thời hạn sử dụng thì vẫn được dùng để thực hiện các giao dịch bình thường.
Nội dung thông tin cá nhân, số thẻ căn cước công dân không có sự thay đổi so với thẻ công dân mã vạch và thẻ căn cước công dân gắn chip nên sẽ không ảnh hưởng đến việc giao dịch người dân.
Khi thẻ căn cước công dân mã vạch của công dân hết hạn sử dụng, công dân phải đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định. Hoặc công dân có yêu cầu đổi thẻ căn cước công dân mã vạch sang thẻ căn cước gắn chip thì sẽ được đổi theo yêu cầu.
Việc này, Bộ Công an đã tính toán các hồ sơ thủ tục để làm sao trên quan điểm là tạo điều kiện tối đa thuận lợi nhất cho công dân trong việc được cấp thẻ công dân có gắn chíp.
Hiện nay, Bộ Công an, đã báo cáo Chính phủ phê duyệt dự án sản xuất cấp quản lý căng công dân. Sau khi Chính phủ được phê duyệt, Bộ Công an sẽ tiến hành triển khai thực hiện các nội dung công việc có liên quan và dự kiến là từ tháng 11 năm 2020 sẽ bắt đầu cấp căn cước công dân gắn chip trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương tiến hành các công việc để chuẩn bị cho việc cấp căn cước cho toàn quốc. Trên quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo, đối với các hồ sơ, thủ tục cấp căn cước công dân có gắn chip sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trong việc thực hiện tránh gây ra tránh phiền hà trong dân.
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!./.