Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân. Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề mới, nếu Luật Hình sự lần này đưa được pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì đó là một thành công. Khi đưa vấn đề này ra, có 2 loại ý kiến khác nhau, loại thứ nhất ủng hộ cho quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vì tình hình pháp nhân vi phạm pháp luật ngày càng nhiều. Lần này Luật cũng chủ yếu hướng tới pháp nhân kinh tế. Khi làm ăn kinh tế, các pháp nhân bất chấp ảnh hưởng tới môi trường, chỉ muốn thu lợi còn vấn đề môi trường như là sân sau của pháp nhân. Tình hình vi phạm của pháp nhân kinh tế như vụ xả thải ở Đồng Nai, vụ chôn lấp thuốc sâu ở Thanh Hóa… là rất nghiêm trọng và trở phổ biến. Cùng với đó các biện pháp xử lý của Nhà nước kém hiệu quả, chỉ xử phạt hành chính và xử phạt hành chính cao nhất đối với pháp nhân không vượt quá 2 tỷ đồng.

“Ví dụ vụ Vedan phạt có 2 tỷ, không bõ bèn gì đối với những sai phạm của họ. Bên cạnh đó trình tự thủ tục để người dân 2 bên bờ sông muốn kiện lên Tòa án theo thủ tục bồi thường dân sự thì người thiệt hại phải tự chứng minh mình thiệt hại bao nhiêu. Làm sao mà họ chứng minh được? Không những thế, người bị hại muốn kiện ra tòa phải đóng án phí, người nông dân nghèo đã không có điều kiện, bắt họ đóng thế không bằng đánh đố người ta. Cho nên phải có một tổ chức đứng ra xem thiệt hại như thế nào. Nếu như đưa nội dung này vào trình tự tư pháp, đưa vào Bộ luật hình sự bằng tố tụng hình sự là các cơ quan điều tra xác định được thiệt hại của việc ô nhiễm mỗi trường. Vì thế khi đưa pháp nhân vào xử lý hình sự đạt được nhiều mục đích có lợi”- ông Việt nói.
huynh_hhwc.jpg
Luật sư Trần Hữu Huỳnh

Ông Việt cho biết, hiện nay trên thế giới có 119 nước quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, Hiệp hội Đông Nam Á cũng có 5 nước đưa pháp nhân vào luật hình sự để xử lý nên việc Việt Nam quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết, hợp với xu thế thế giới.

Theo ông Việt, bấy lâu nay ta đang quen với việc xử lý trách nhiệm hình sự là chỉ có cá nhân, chỉ có người nào vi phạm Bộ luật hình sự mới phải chịu tội, bây giờ mở ra một tổ chức có nhiều khó khăn. Cũng quan điểm này, trong cuộc họp Quốc hội nhiều đại biểu cũng cho ý kiến, nếu xử lý pháp nhân thì pháp nhân đó có thể phải đóng cửa, giải quyết hậu quả xã hội như thế nào khi hàng ngàn công nhân thất nghiệp… “Việt Nam lần đầu đưa vào nội dung này nên cũng cẩn trọng chỉ đưa chủ yếu chỉ trong một số nhóm tội nhất định, chỉ gồm 32 tội như tội phạm kinh tế, môi trường, an toàn công cộng, tội hối lộ, tham nhũng…”.

Pháp nhân vi phạm thì đều phải xử lý bình đẳng

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, nếu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, mà chỉ tập trung chủ yếu đối với tội phạm kinh tế thì điều này hoàn toàn không nên.

“Bất kỳ một pháp nhân nào, nếu vi phạm thì đều phải xử lý bình đẳng. Chúng ta đang khuyến khích kinh tế, coi kinh tế là trung tâm, là chiến lược, coi doanh nhân là một thành phần tương đương các thành phần công- nông- trí thức nhưng lại chỉ quy định trách nhiệm hình sự với tổ chức kinh tế là không nên. Còn các loại tội phạm kinh tế, có thể cân nhắc đưa vào nhưng đưa vào một số tội coi là điển hình”- luật sư Huỳnh nói.

Theo luật sư Huỳnh, việc xác định các loại tội phạm dự định đưa vào Dự thảo Bộ luật để quy kết và xử lý pháp nhân cần hết sức thận trọng. Xu hướng của pháp luật hình sự là cá thể hóa tội của cá nhân, bây giờ ta nói pháp nhân phải trong những trường hợp thật đặc biệt. Còn nếu chúng ta lạm dụng việc này, như hiện nay mở rộng ra đến 32 tội của pháp nhân là một thông điệp không tốt trong điều kiện hội nhập hiện nay.
GS Phạm Thị Trân Châu 

Đồng tình với việc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng, có rất nhiều vấn đề đã thành nếp trong xã hội, quyết định là do tập thể, nếu đã do tập thể thì lý do gì pháp nhân lại không chịu trách nhiệm. Việc quy định này cũng không loại trừ trách nhiệm của cá nhân, nên cần thiết phải đưa pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự./.