Một trong những nội dung được báo chí đặc biệt quan tâm tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý II và 6 tháng đầu năm 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 16/7 đó là vấn đề báo động tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
nguyen_hong_tuyen_hmpy.jpg
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp

Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thời gian qua, sau khi Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cùng với việc thực thi Nghị quyết 67 của Quốc hội, tình trạng nợ đọng văn bản đã giảm đi khá nhiều. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội cũng có chung nhận xét như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai những đạo luật mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì số lượng nợ đọng văn bản lại có xu hướng tăng đáng báo động. Đến thời điểm này, các bộ, ngành đang nợ đọng khoảng 109 văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, pháp lệnh.

Luật mới quy định trách nhiệm cá nhân, đơn vị chậm trễ

Trả lời câu hỏi của báo chí liệu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 22/6 và sẽ được Chủ tịch nước công bố ban hành vào ngày mai (17/7) có khắc phục được tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật hay không, ông Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định Luật có đầy đủ các điều khoản quy định trách nhiệm rất rõ ràng đối với tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị gây ra sự chậm trễ, trước kia chưa có quy định này.

Ông Tuyến nêu rõ, cụ thể trong Điều 7 khoản 8 có quy định rõ trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức soạn thảo văn bản, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cũng như cán bộ, công chức có liên quan đến việc dự thảo văn bản không đảm bảo về chất lượng, thẩm định, tiến độ cũng như không đảm bảo về tính luật pháp và thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật…  tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó là không xem xét chế độ khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm trễ. Vấn đề này Chính phủ đã quán triệt. Liên quan đến hành chính, trong phiên họp Chính phủ đã nhắc nhở các bộ, ngành và qua liệt kê, kiểm đếm của Bộ Tư pháp để các bộ có giải pháp tốt hơn. Bên cạnh đó, Nghị quyết 67 của Quốc hội cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản, xác định tiêu chí, mức độ hoàn thành hay không hoàn thành và xácđịnh về kỷ luật hành chính.

Chánh văn phòng – Người phát ngôn Bộ Tư pháp, ông Trần Tiến Dũng cũng cho biết thêm một điểm mới nữa của Luật là quy định dự thảo văn bản quy định chi tiết phải trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Đây là một trong những điểm sẽ góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật./.