Tại Hội nghị triển khai việc luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý cho công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, ông Đỗ Ngọc Thịnh,  Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai được 3 đợt Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân Trung ương: đợt 1 từ ngày 14/7/2015 đến 24/9/2015 có 100 luật sư tham gia với hơn 600 lượt tư vấn.

Đợt, đợt 2 từ ngày 14/12/2015 đến ngày 29/1/2016 luật sư tham gia với hơn 300 lượt tư vấn, và đợt 3 đang tiếp tục triển khai với hơn 100 luật sư tham gia. Kết quả có hơn 1.000 lượt người dân đã được tư vấn pháp luật, được tuyên truyền giải thích pháp luật.

Đã lên đến Trung ương, hầu hết các vụ khiếu nại tố cáo rất phức tạp

Ông Nguyễn Văn Pha Phó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, chương trình phối hợp giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở được Ủy ban Trung  ương MTTQ Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai từ tháng 11/2014.

tu_van_uosn.jpg
Tư vấn pháp lý miễn phí cho bà con các dân tộc huyện Văn Chấn, Yên Bái (ảnh: KT)
Trong năm 2015 và đầu 2016 đã thực hiện 2 đợt luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý cho công dân đến KNTC tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương số 1, Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội. Kết quả, cả 2 đợt đã có hơn 1.000 lượt người dân được 166 luật sư tư vấn pháp luật, tuyên truyền giải thích pháp luật.

“Giới luật sư Việt Nam rất đông đảo, hơn 10.000 người, có đóng góp rất quan trọng trong tư vấn pháp lý cho người dân. Qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã có nhiều người dân tự nguyện về quê không tiếp tục khiếu kiện. Cũng thông qua hoạt động này đã phát hiện một số việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật, luật sư hướng dẫn người dân có thể kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cũng thông qua đó, luật sư khuyên giải người dân khiếu kiện luôn phải tuân thủ các quy định pháp luật…”- ông Pha cho biết.

Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, ở trụ ở tiếp công dân Trung ương đa số người dân khiếu nại tố cáo kéo dài, đã được giải quyết ở các cấp chính quyền nhưng chưa xong, hầu hết các vụ rất phức tạp. Do đó các luật sư phải chuẩn bị tinh thần, hết sức bình tĩnh trong tư vấn, tránh xung đột.

Tới đây Liên đoàn sẽ cùng với Thanh tra Chính phủ tiếp tục  tập hợp đội ngũ luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, các luật sư sẽ tự giác đăng ký. Khi tham gia trợ giúp công dân về khiếu nại tố cáo, thời gian tư vấn này sẽ được trừ vào thời gian trợ giúp pháp lý bắt buộc của luật sư trong năm 2016 (8 giờ/năm). Các luật sư sẽ tham gia trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Liên đoàn sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ để tập huấn cho các luật sư về  tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, ở Trụ sở tiếp dân Trung ương, 60% vụ việc đã hết thẩm quyền cấp dưới, 30% là còn thẩm quyền.

“Đã lên trụ sở tiếp công dân Trung ương thì đều là vụ việc kéo dài, phức tạp, đoàn đông người. 70-80% người dân khiếu kiện tại đây liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, để tư vấn có hiệu quả, luật sư phải nắm chắc bản chất các vụ việc”-bà Tuyết nói.

“Cực chẳng đã người dân mới đến trụ sở tiếp công dân”

Ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư trụ sở tiếp công dân Trung ương là nghĩa vụ bắt buộc của luật sư, nhưng khi tham gia tư vấn miễn phí cho dân ở đây còn là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị pháp lý của Ủy ban Trung ương MTTQ giao phó.

Ông Nguyễn Văn Pha
“Tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân theo chương trình phối hợp này, các luật sư đã làm trọn được bổn phận trong cả 2 vai. Đó là khi tư vấn pháp luật, giải thích và tuyên truyền pháp luật phải khách quan, trung thực để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và lợi ích nhà nước trên cơ sở luật pháp. Nếu dân khiếu kiện đúng thì phải hỗ trợ họ tiến hành đúng quy định của pháp luật. Nếu khiếu kiện sai thì  giải thích, thuyết phục dân để họ không hao tâm tổn sức cho việc khiếu kiện sai"- ông Pha nhấn mạnh. 

Theo ông Nguyễn Văn Pha, luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí là điều bình thường, nhưng thực  hiện trợ giúp pháp lý miễn phí với cả một chương trình phối hợp lớn là rất ý nghĩa. Về cơ bản, chương trình đã thành công ở giai đoạn 1, hiệu quả tốt, đội ngũ tham gia hùng hậu,  Ban tiếp công dân Trung ương đánh giá rất cao. Các bộ ngành, cơ quan, Ủy ban Trung  ương MTTQ Việt Nam đánh giá rất cao sự trợ giúp vô tư của các luật sư.

“Cực chẳng đã người dân mới đến trụ sở tiếp công dân, đó đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, rất đáng thương, mọi hoạt động tư vấn pháp lý của luật sư phải bằng cả tâm huyết, sự thiện nguyện của mình. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng luật sư gợi ý, mời người khiếu nại về văn phòng luật sư của mình để hình thành hợp đồng tư vấn”- ông Pha nhấn mạnh./.