Thời gian qua, những vụ người vi phạm pháp luật về giao thông có hành vi chống đối người thi hành công vụ khi bị “tuýt còi” diễn ra khá phổ biến gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội.
Gần đây nhất, tại TPHCM, một nữ tài xế điều khiển xe ô tô đi vào làn đường ngược chiều thuộc quận Bình Thạnh, khi bị CSGT tuýt còi yêu cầu dừng xe để xử lý theo quy định của pháp luật, người phụ nữ xuống xe chỉ vào mặt nam CSGT trẻ, túm cổ áo, xô đẩy và liên tục có những lời lẽ thô tục, xúc phạm người thi hành công vụ.
Người phụ nữ chửi bới chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm vụ sau khi vi phạm giao thông. Ảnh cắt từ clip. |
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những phản ứng gay gắt của người dân đối với người thực thi công vụ, trong đó có một nguyên nhân cũng là cái gốc của vấn đề đó là ý thức tuân thủ luật của người tham gia giao thông còn rất hạn chế, thậm chí họ không có ý định chấp hành, mà cố tình vi phạm.
Lý giải về những vụ chống đối, lăng mạ CSGT, nhiều người đổ lỗi cho hạ tầng giao thông của ta đang xuống cấp, đường sá chật chội, ùn tắc, rồi thái độ hống hách trong cách ứng xử của người thực thi công vụ…, cho rằng đó là yếu tố làm chủ phương tiện bị ức chế và mất kiểm soát hành vi. Tuy nhiên, theo TS Trịnh Hòa Bình, cách lý giải này chỉ có giá trị để tham khảo chứ không hoàn toàn có ý nghĩa quyết định, bởi lẽ cùng trong hoàn cảnh như nhau, nhưng nhiều người sẽ có hành xử khác. Cách lý giải đó chỉ mang tính chất biện minh của người vi phạm.
Cũng có ý kiến cho rằng không phải ai cũng dám cự cãi lại cảnh sát khi vi phạm luật giao thông, chưa nói đến hành vi lăng mạ hay tấn công CSGT. Chỉ có người cậy thế cậy quyền, cậy có tiền, có mối quan hệ mới có hành vi coi thường pháp luật như vậy. Cùng quan điểm này, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng cần lên án cách suy nghĩ ấy và phải có những biện pháp đủ mạnh để răn đe.
Ở một góc nhìn khác về nguyên nhân của người vi phạm chống đối CSGT, nhiều ý kiến cho rằng có vấn đề thực thi pháp luật chưa nghiêm, từ đó mới có tình trạng người vi phạm dù biết mình sai nhưng không sợ mà còn lớn tiếng lăng mạ, chống đối, thậm chí tấn công CSGT.
TS Trịnh Hòa Bình thừa nhận thực tế này, cho rằng vẫn còn những hành vi chưa chuẩn mực của những người thực thi công vụ, nhà chức trách trong khi thực thi nhiệm vụ; hay phạt nặng người này nhẹ người khác, tuy nhiên không thể vì thế mà người vi phạm có hành động phản đối hay không tuân thủ luật lệ.
“Những ý kiến trên là có cơ sở nhưng chỉ là cơ sở theo cách hiểu của những người rất thiển cận, bởi cái mà người ta phải đối diện, phải so đo, tính toán, kiểm tra lại mỗi người là luật lệ, chuẩn mực của xã hội chứ không phải so với những trường hợp khác”, TS Trịnh Hòa Bình phân tích thêm.
TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, nhiều người coi những vụ chống đối CSGT xảy ra thời gian qua là hệ lụy của vấn nạn “mãi lộ”, cứ thấy CSGT tuýt còi là người ta nghĩ đến hình ảnh vòi vĩnh, lén lút nhận tiền nên ức chế và nghĩ rằng mình không sai. Bởi vậy khi bị “tuýt còi” là người vi phạm nghĩ ngay đến việc cần phải xử trí, biện lễ, hối lộ để được xử nhẹ.
Để hạn chế những vụ việc chống đối, lăng mạ, tấn công CSGT, về căn bản vẫn là việc tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết cụ thể về luật pháp nói chung, Luật An toàn giao thông nói riêng từ các cấp học, và đặc biệt trong quá trình đào tạo cấp bằng. Đây là giải pháp có tính chất căn bản và lâu dài.
Trước mắt, vẫn là câu chuyện phải giải quyết triệt để và minh bạch, không có sự phân biệt đối xử với tất mọi người tham gia giao thông dù ở bất cứ cương vị nào, thuộc nhóm xã hội nào. Bên cạnh đó, cần trang bị những công cụ hỗ trợ như máy ghi hình, máy đo tốc độ phải chuẩn để lấy đó làm chứng cứ buộc người vi phạm phải tâm phục./.
Khởi tố tội danh giết người với tài xế container hất CSGT xuống đường
Luật sư lên tiếng vụ nữ tài xế lăng mạ, túm áo CSGT
TP.HCM: Người phụ nữ túm cổ áo thóa mạ CSGT khai gì tại công an?