Theo thông tin tại phiên tòa sơ thẩm hình sự vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi) và Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi), do trong suốt quá trình điều tra, Hoa hậu Phương Nga không khai gì nên tại phiên tòa có nhiều tình tiết mới được khai báo, trong đó đáng chú ý là lời khai của cả Nga và Dung về “bản hợp đồng tình ái” giữa Phương Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ. Theo VTC News, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TPHCM), người tham gia bào chữa cho Phương Nga, nhận định, nếu “hợp đồng tình ái” này là có thật thì vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Phương Nga là bị cáo có thể sẽ đổi chiều. 

vov_hoa_hau_12_vlqa_cedg.jpg
Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung (phải) tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Huy Sơn)
Không chỉ quan tâm đến việc liệu bản hợp đồng tình ái có thật hay không, dư luận còn đặt câu hỏi vì sao trong suốt quá trình điều tra Nga không khai ra chi tiết về bản hợp đồng này mà để đến khi ra tòa mới khai? Liệu sự im lặng của Nga có bị xem là không "thành khẩn khai báo" và bị loại bỏ tình tiết giảm nhẹ (nếu bị kết tội) hay không?

Lý giải cho những băn khoăn của dư luận, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên) cho rằng, sự im lặng của Phương Nga cho thấy cô đã vận dụng tốt quyền của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, do đã từng có thời gian dài sinh sống, học tập ở nước ngoài nên cô ấy hiểu và vận dụng đúng quyền của người bị điều tra. Việc Phương Nga thực hiện quyền trả lời công khai tại tòa của mình đã giúp cô bảo vệ được những lời khai của mình khi có sự giám sát của dư luận, vì vụ án có thể có nhiều điều khuất tất mà bị cáo không thể trả lời khi lấy cung. 

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, quyền im lặng đã được quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013, nó gắn liền với quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người bào chữa. Đây là quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân, trở thành một nguyên tắc tố tụng căn bản phải được tôn trọng và triệt để thực hiện. 

Còn trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 đang có hiệu lực thi hành, luật không quy định bị can, bị cáo, người bị bắt, bị tạm giữ có quyền từ chối đưa ra lời khai nhưng quy định họ có quyền được trình bày lời khai và tự bào chữa cho chính mình. Nếu bị can vẫn giữ quyền im lặng thì cơ quan điều tra không thể cưỡng chế khai báo được.

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tuy đang tạm hoãn thời hạn thi hành nhưng cũng có nội dung về quyền im lặng. Cụ thể: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt (điểm d khoản 1 Điều 58); người bị tạm giữ (điểm c khoản 2 Điều 59); bị can (điểm d khoản 2 Điều 60); bị cáo (điểm h khoản 2 Điều 61) đều có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

“Việc sử dụng quyền im lặng trên thực tế là có quy định song chưa được thi hành, kể cả trong quá trình tố tụng đối với hoa hậu Phương Nga trước phiên tòa và trong phiên tòa ngày 21/9 vừa qua. Vì vậy, sự im lặng của Phương Nga trong trường hợp này không thể xem là không thành khẩn khai báo”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu quan điểm của mình trên Zing.vn.

Còn từ thực tế hoạt động nghề nghiệp, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết, việc thực hiện tốt quyền im lặng không bị coi là cản trở mà nó còn giúp cơ quan điều tra không bị nghi ngờ về chuyện bức cung, nhục hình. Như vậy, có thể nói quyền im lặng đã mang lại lợi ích kép cho cả hai phía chứ không riêng gì bị can, bị cáo. 

Tuy nhiên, luật sư Quynh cũng nhấn mạnh, quyền im lặng chỉ có giá trị với người bị oan, còn nếu hành vi phạm tội thực sự thì vẫn bị kết tội bình thường.

Cũng theo luật sư Quynh, do luật không quy định nghĩa vụ bảo đảm và hậu quả pháp lý, cho nên có nhiều trường hợp, cơ quan, người tiến hành tố tụng bằng các biện pháp khác nhau gây khó khăn cho người bị buộc tội trong việc thực hiện các quyền con người đã được pháp luật quy định. Trong đó có quyền được tiếp cận sớm nhất với người bào chữa. Các luật sư cũng gặp nhiều khó khăn bởi những rào cản về thủ tục, khiến cho việc tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người bị buộc tội cũng bị hạn chế. 

Luật sư Quynh chia sẻ thêm, Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc tuy không đề cập trực tiếp khái niệm “quyền im lặng”, nhưng điều 14.3 (g) quy định “quyền không bị buộc phải cung khai bất lợi cho mình và quyền không thú tội”. Quyền này cùng với quyền được suy đoán vô tội tại điều 14.2 được nhà nước và tòa án ở nhiều quốc gia đồng nhất hoặc phái sinh ra quyền im lặng.

Còn các học giả thuộc hệ thống dân luật thì cho rằng quyền im lặng bắt nguồn từ “quyền suy đoán vô tội”, nguyên tắc “ai buộc tội, người đó phải chứng minh” của luật La Mã cổ đại. Quyền im lặng được công nhận và phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước kể từ thế kỷ 19, đặc biệt là trong thế kỷ 20. Quyền nhờ người khác bào chữa là một phần cụ thể của quyền im lặng; và đến lượt mình, quyền im lặng là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, hạn chế được oan sai trong tố tụng hình sự./.