Trên sân Hàng Đẫy, Hà Nội tối 11/9, cổ động viên đội bóng đá Nam Định đốt hàng chục quả pháo sáng, ném xuống sân.

Ở phút 56, họ bắn từ khán đài B sang A như một phát súng, trúng vào chân nữ cổ động viên. Chị này sau đó phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị bỏng lưu huỳnh vào tận xương, sẽ phải phẫu thuật hai lần.

Tôi xin hỏi việc đốt pháo sáng làm người khác bị thương sẽ bị xử lý như thế nào?

phao_9172_1568264558_6970_1568276360_vltn.jpg
Pháo sáng rực cháy trên khán đài sân Hàng Đẫy hôm 11/9. Ảnh: Lâm Thỏa.

Theo điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, pháo sáng không được phép sử dụng vì tính chất khó dập tắt, gây bỏng cấp độ 4.

Theo khoản 2 điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, cổ động viên sử dụng pháo sáng đốt hay bắn trên sân khi xem bóng đá sẽ bị xử phạt hành chính từ một đến 2 triệu đồng.

Ngoài ra, việc cổ động viên đốt pháo sáng trên khán đài làm náo loạn trận đấu và khiến người khác bị thương có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, theo điều 318 Bộ luật hình sự 2015.

Gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm quy tắc xử sự được đặt ra cho mỗi công dân ở nơi công cộng, xâm phạm tình trạng ổn định trong sinh hoạt chung của xã hội. Hành vi này còn xâm phạm đến con người, quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ. Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng.... Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội.

Vì vậy, cổ động viên đốt pháo sáng nếu bị truy tố có thể đối mặt án tù đến 7 năm tù. Đơn vị tổ chức trận đấu để xảy ra tình trạng đốt pháo sẽ bị phạt tiền 20-70 triệu đồng, theo quy chế của VFF./.