Thông tin ban đầu, khoảng 5h sáng 27/7, do mâu thuẫn cá nhân, Đàm Văn Hiếu (SN 1981, ở Chợ Hàng, phường Đông Hải, quận Lê Chân, Hải Phòng) dùng dao sát hại anh trai ruột của mình là Đàm Văn T. (SN 1981, trú cùng địa chỉ với Hiếu), trước sự van xin của mẹ ruột y.
Nghi can Hiếu điều trị tại BV Hữu nghị Việt Tiệp và được cơ quan chức năng giám sát. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam). |
Sau khi gây án, Hiếu tiếp tục mang dao đến nhà mẹ nuôi của anh Đàm Văn T. là bà Hoàng Thị Ngọc B. (trú đường Kỳ Đồng, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Khi bà B. vừa mở cửa thì bất ngờ bị Hiếu đâm nhiều nhát dao vào người, khiến nạn nhân tử vong. Đối tượng Đàm Văn Hiếu. sau đó bỏ trốn.
Tối 27/7, lực lượng chức năng đã bắt Đàm Văn Hiếu khi đối tượng đang lẩn trốn trong 1 khách sạn thuộc phường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Lực lượng chức năng phá cửa, phát hiện Đàm Văn Hiếu đã uống thuốc an thần tự tử nên đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Trần Hồng Phúc (Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, như thông tin báo chí đưa, nếu đủ cơ sở xác định Hiếu phạm tội Giết người thì có thể áp dụng khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân hoặc tử hình với tình tiết định khung tăng nặng là "Giết 02 người trở lên" (điểm a khoản 1 Điều 123 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
Như tình tiết báo chí nêu, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà đối tượng can tâm ra tay sát hại cả anh trai T. và bà B. (mẹ nuôi của anh trai), bỏ mặc sự van xin của người mẹ. Điều này cho thấy hành vi giết người của bị can là chủ quan và "cố tình phạm tội đến cùng". Với hành vi này có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.
Theo luật sư Phúc, cơ quan chức năng cần làm rõ, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn cá nhân của bị can với bị hại để từ đó có cơ sở xác định có phải bị can giết người vì "động cơ đê hèn" và "có tính chất côn đồ" hay đã "thực hiện tội phạm một cách man rợ" hay không? Bởi lẽ, nếu đối tượng giết người với "động cơ đê hèn", "có tính chất côn đồ" và "thực hiện tội phạm một cách man rợ" quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 đều là các tình tiết cấu thành định khung phạm tội.
Theo đó, nếu làm rõ và chứng minh được thêm những tình tiết này thì hành vi của đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm khắc với nhiều khả năng có thể xử phạt đến mức cao nhất của khung hình phạt là "tử hình".
Cũng theo vị nữ luật sư, Cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, thủ đoạn của bị can đối việc bỏ trốn để có đủ cơ sở xác định đó có phải "hành động xảo quyết nhằm trốn tránh" là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 hay không? Bên cạnh đó, việc bị can uống thuốc an thần để tự tử không phải là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, phải xem thêm về nhân thân có tiến án, tiền sự không, có phải là tái phạm nguy hiểm không để có đủ căn cứ xử lý theo pháp luật./.Nghi can giết anh trai và chị dâu rửa dao trước khi bỏ trốn lên rừng
Khởi tố đối tượng giết anh trai ở Thanh Hóa
Bắt nhanh nhóm nghi can gây ra vụ giết người tại quán nhậu