Bạn đọc hỏi:
Sau khi bố tôi mất, anh em tôi xem di chúc mới biết bố tôi giao toàn bộ tài sản thừa kế cho em tôi vì ông viết trong di chúc rằng tôi là con riêng của mẹ tôi. Mẹ tôi đã mất từ lâu và từ nhỏ tới giờ, tôi không có mảy may nghi ngờ tôi là con riêng của mẹ tôi.
Vậy nếu đúng như di chúc bố tôi để lại, tôi phải trả lại ngôi nhà đang ở cho em trai tôi. Luật sư cho biết, bố tôi di chúc như thế có đúng không, tôi có quyền lợi gì về ngôi nhà đó không?
Luật sư trả lời:
Bố bạn có quyền tự định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Bởi thế, bố bạn có thể tự ý quyết định để lại di sản của mình cho ai. Căn cứ quy định tại Điều 631 Luật dân sự 2005:
Điều 631. Quyền thừa kế của cá nhân
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, bố bạn để lại di chúc giao toàn bộ tài sản thừa kế cho em trai vì lý do bạn con riêng. Do bạn không đề cập đến vấn đề quyền sở hữu đối với số tài sản này nên:
Nếu khối tài sản này (bao gồm cả căn nhà mà bạn đang ở) thuộc sở hữu của bố bạn thì bố bạn hoàn toàn có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình dù vì bất cứ lý do gì.
Nếu căn nhà này đã được tặng cho, chuyển nhượng và sang tên cho bạn trước thời điểm bố bạn mất thì bố bạn không phải chủ sở hữu của căn nhà. Hay nói cách khác, bạn đã có quyền sở hữu căn nhà nên nó không phải di sản thừa kế. Bởi vậy, trong trường hợp này, bố bạn không có quyền để lại căn nhà cho em trai bạn.
Nếu căn nhà là tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân thì bố bạn chỉ được quyền để lại phần giá trị tài sản của căn nhà thuộc quyền sở hữu của bố bạn cho em trai. Còn phần tài sản của căn nhà thuộc sở hữu của mẹ bạn sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất. Bố bạn không có quyền để lại toàn bộ căn nhà cho em trai bạn.
Bạn có quyền lợi như thế nào với ngôi nhà?
Trong trường hợp này, thông tin mà bạn cung cấp chưa đầy đủ và cụ thể nên chúng tôi chưa thể tư vấn chính xác về quyền lợi của bạn với ngôi nhà được.
Nếu ngôi nhà thuộc sở hữu của bố bạn thì nay, nếu di chúc có hiệu lực pháp lý, bạn phải trả lại ngôi nhà cho em trai bạn (trừ trường hợp, hai anh em bạn có thỏa thuận khác);
Nếu ngôi nhà thuộc sở hữu của bạn (hoặc bạn có các giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu ngôi nhà) thì di chúc của bố bạn về ngôi nhà đó sẽ không có hiệu lực. Bạn vẫn là chủ sở hữu của căn nhà đó.
Nếu ngôi nhà thuộc sở hữu chung của bố mẹ bạn, bố bạn chỉ có quyền để lại cho em trai bạn phần ngôi nhà thuộc sở hữu của ông, bạn sẽ được hưởng một phần giá trị căn nhà thuộc sở hữu của mẹ bạn.
Nếu ngôi nhà không thuộc sở hữu của bạn nhưng bạn chứng minh được bạn công kiến tạo, sửa chữa,… (qua các văn bản còn lưu giữ: hóa đơn,…) thì em trai bạn sau khi nhận ngôi nhà sẽ phải trả lại bạn chi phí theo giá thị trường.
Đồng thời, trong trường hợp này, bạn cũng cần xem xét về hiệu lực pháp lý của di chúc đó: ví dụ tình hình sức khỏe của cha bạn khi lập di chúc, di chúc có đáp ứng yêu cầu của pháp luật về hình thức không, di chúc đó có bị vô hiệu không… Nếu bạn thấy di chúc đó có dấu hiệu làm giả, không có hiệu lực pháp luật thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu. Khi đó, toàn bộ tài sản của bố bạn sẽ được thừa kế theo pháp luật.
Nếu như bạn muốn được tư vấn pháp luật chính xác, xin cung cấp những thông tin cụ thể hơn nữa.
Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.