Bạn đọc hỏi:

Ông ngoại tôi có 2 vợ. Với vợ đầu ông có một người con trai. Khi người con này trưởng thành và lập gia đình, ông ngoại tôi đã chia tài sản là toàn bộ nhà, đất ở quê diện tích gần 100m2 cho người con trai này.  Sau khi ly dị vợ đầu, ông ngoại lập gia đình với bà ngoại tôi và có 2 người con. Gần đây, ông có lập thừa kế để lại phần tài sản là căn nhà và đất tổng cộng 80m2 cho 2 người con với vợ hai. Tuy nhiên, việc phân chia tài sản thừa kế này đã vấp phải sự phản đối của người con của vợ đầu của ông, vì cho rằng người này vẫn phải được chia tài sản thừa kế đối với căn nhà và đất 80m2.

Xin hỏi luật sư, người con của vợ đầu của ông ngoại tôi có được quyền chia thừa kế đối với phần nhà và đất 80m2 hay không?

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã chia sẻ mối quan tâm đến vấn đề pháp luật với Tổng đài tư vấn pháp luật 19006511. Từ những chia sẻ của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Pháp luật hôn nhân gia đình quy định “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.” – theo điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Trong tình huống bạn không nói rõ là tài sản là nhà đất của ông bạn được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nào, thời kỳ hôn nhân với người vợ đầu hay thời kỳ hôn nhân với người vợ hai hoặc là tài sản riêng của ông bạn nên chúng tôi tư vấn các trường hợp như sau:

Trường hợp căn nhà hình thành trong thời kỳ hôn nhân với người vợ đầu và là tài sản chung của ông ngoại bạn với người vợ đầu, khi ly hôn chưa được chia; căn nhà chỉ có một nửa là của ông bạn và ông bạn chỉ có quyền định đoạt với một nửa đó. Chính vì vậy, ông bạn chỉ có thể di chúc để lại một nửa của mảnh đất cho hai người con của người vợ hai. Còn nửa còn lại của căn nhà và đất thuộc sở hữu của người vợ đầu của ông ngoại bạn. Nếu người vợ đầu của ông ngoại bạn đã mất mà không để lại di chúc cho ai khác thì phần sở hữu của người vợ đầu sẽ được để lại cho người con của người vợ đầu và ông ngoại bạn.

Trường hợp căn nhà hình thành trong thời kỳ hôn nhân với bà ngoại bạn (người vợ thứ hai) và là tài sản chung của ông ngoại và bà ngoại bạn. Trường hợp này, ông bạn vẫn được định đoạt ½ căn nhà và đất và có quyền để lại di chúc cho hai người con với bà ngoại bạn. Nửa còn lại là của bà ngoại bạn. Trong trường hợp này, người con của người vợ đầu của ông bạn không có quyền đòi tài sản nếu ông bạn đã di chúc lại cho hai người con với bà ngoại bạn.

Trường hợp căn nhà là tài sản riêng của ông ngoại bạn (do ông ngoại bạn được nhận tặng cho, tài sản hình thành trước thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia trong thời kỳ hôn nhân...) thì ông ngoại bạn có toàn quyền định đoạt với khối tài sản này và có quyền di chúc để lại cho bất kỳ ai. Nếu ông ngoại bạn lập di chúc để lại khối tài sản là căn nhà và đất 80m2 nêu trên cho hai người con với người vợ hai của ông bạn thì người con của người vợ đầu không có quyền đòi phần di sản đó.

Vậy tùy theo nguồn gốc của căn nhà và đất là tài sản chung hay riêng mà người con của người vợ đầu của ông ngoại bạn có quyền đòi tài sản hay không./.