Liên quan đến những phát ngôn bôi nhọ, miệt thị đối với cán bộ Nhà nước của Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện, nguồn tin của phóng viên VOV cho biết, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thẩm định, làm rõ vụ việc.

chu_tich_alibaba_1_rbpp_qchz.jpg
Chủ tịch Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện

Trước đó, tối 17/6, “do bức xúc trước việc bị cưỡng chế khu đất tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà Công ty Alibaba đang phân phối đất nền”, trên fanpage của Công ty Địa ốc Alibaba, ông Luyện có tổ chức một cuộc tọa đàm, trong đó có đặt câu hỏi cho nhân viên công ty “Học cái gì ra làm công an xã?”, rồi ông tự trả lời “học ngu ra làm công an xã. Các anh chị để ý mấy thằng quậy quậy, phá làng phá xóm chẳng làm gì thì kêu vô làm công an xã. Nó chẳng chịu đi học”.

Ông này sau đó lại tiếp tục đặt câu hỏi “học cái gì ra làm chủ tịch xã?”, và cũng tự trả lời “Học làm côn đồ. Mấy người làm công an xã hay chủ tịch xã xin xỏ, chạy chọt lên vị trí đó, không có học, không có trình độ gì hết trơn”.

8 ngày sau, cũng trên fanpage của Địa ốc Alibaba, ông Luyện cho đăng bức thư xin lỗi, trong đó ông này thanh minh rằng phát ngôn của ông không quy chụp cho toàn bộ công an xã và chủ tịch xã.

Chưa bình luận việc cưỡng chế đúng sai ra sao, nhưng ở vị trí một Chủ tịch HĐQT lãnh đạo hàng chục thậm chí hàng trăm nhân viên ở dưới, ông Luyện không thể “nói cho sướng miệng” rồi đi thanh minh, bao biện.

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa, Công ty luật TNHH Châu Đại Dương (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, hành vi của ông Luyện có dấu hiệu của tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng. Cụ thể là Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015: "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và khoản d Điều 8 Luật An ninh mạng: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".

Luật sư Nghĩa cho rằng, hành vi của ông Luyện cần phải được xử lý trên nguyên tắc không chỉ răn đe, giáo dục mà còn phòng ngừa những trường hợp tương tự có thể tái diễn. Và khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm, báo chí tuyên truyền cũng là một trong những hình thức góp phần giáo dục ý thức pháp luật, để công dân hiểu và thực hiện các quyền của mình trong khuôn khổ pháp luật.

Luật sư Nghĩa cũng cho biết thêm, theo Điều 9 Luật An ninh mạng, hành vi vi phạm của ông Luyện còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự vì đây là hành vi đặc thù vi phạm về không gian mạng. 

Nêu quan điểm về vụ việc của ông Nguyễn Thái Luyện, Luật sư Hoàng Ngọc, Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự, cho rằng, nhưng phát ngôn của ông Luyện là không thể chấp nhận được, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chưa kể, nếu nhưng phát ngôn đó “động chạm” đến những cá nhân, tập thể cơ quan Nhà nước nhất định nhưng không có bằng chứng hay chứng minh được thì còn phải xem xét cả hành vi vu khống. Với hành động quay clip, phát tán trên mạng xã hội, trên internet thì hành vi của ông Luyện có thể bị xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Hoàng Ngọc

Dẫn quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, luật sư Ngọc nhận định, hành vi của ông Luyện có thể xếp vào hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” và sẽ bị xử phạt cảnh cáo từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đặc biệt, trong trường hợp ông Luyện đã xúc phạm đến những công an xã, chủ tịch xã là những người đang thi hành công vụ thì có thể bị phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 167.

Ngoài ra, trong trường hợp ông này tung clip lên mạng, livestream phát tán những lời lẽ mang tính xúc phạm, ông Luyện  hoàn toàn có thể bị phạt với mức tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích Chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định; Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; Quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định".

Về ý kiến cho rằng, những phát ngôn của ông Luyện công khai trên mạng xã hội đã là bằng chứng để khởi tố ông này hành vi bôi nhọ cán bộ nhà nước, luật sư Ngọc cho biết, những hành vi gây ảnh hưởng tới nhiều người, tới xã hội bằng cách phát tán các clip, đoạn livestream qua facebook, youtube hay các trang mạng xã hội đã có dấu hiệu của tội phạm để truy cứu trách nhiệm về “tội làm nhục người khác”. Nếu không thuộc trường hợp này thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 228 BLHS”.

Để không tạo ra những tiền lệ xấu sau vụ việc của ông Luyện, luật sư Ngọc cho rằng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đối với hành vi trên. Tiếp tục thu thập chứng cứ để có thể đưa ra xét xử đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần phải có các biện pháp nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các đoạn clip, livetream gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn xã hội, tới bộ máy nhà nước. Đồng thời, yêu cầu ông này phải có các biện pháp như xin lỗi công khai, có các biện pháp khắc phục hậu quả do những phát ngôn của ông này gây ra./.

Khoản 1 Điều 121 BLHS 2015: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."

Khoản 1 và 2 Điều 331 BLHS 2015: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.