Chỉ vì hận thù bởi gia đình nhà vợ ngăn cấm quan hệ tình cảm, Vinh đã tước đi mạng sống của hai anh em bên gia đình vợ. Bản án mà Vinh phải nhận là cái giá quá đắt để trả cho những phút giây lầm lỡ của chính mình. 

Tử tù Trần Xuân Vinh. (ảnh: Báo Gia đình và Xã hội).

Cái kết buồn cho cuộc “hôn nhân” ngắn ngủi

Phiên tòa xét xử bị cáo Trần Xuân Vinh (SN 1983, trú tại đường Chi Lăng, TP Huế) ngày 25/11 vừa qua thu hút sự theo dõi của hàng ngàn người dân. Theo sự việc, Vinh và chị Huỳnh Thị Lành (SN 1991, trú tại thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) quen biết nhau nhờ sự vun vén của bạn bè. Được sự ủng hộ của hai bên gia đình, họ kết hôn rồi có chung với nhau một đứa con kháu khỉnh. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi vợ chồng luôn xảy ra tình trạng cãi vã. Nguyên nhân xuất phát từ việc Vinh thường xuyên đánh bạc, nợ nần.

Ông Trần Lắm (bố Vinh) chia sẻ: “Trước khi sự việc xảy ra, vợ chồng Vinh vẫn sống với nhau rất tình cảm. Từ ngày 25/4, Lành xin về bên nhà mẹ ruột để tiện cho việc sinh nở rồi ở lại luôn bên đó. Nhiều lần Vinh về thăm vợ nhưng bị gia đình bên đó ngăn không cho gặp khiến Vinh nảy sinh lòng thù hận rồi làm liều”.

Khoảng 3h ngày 25/6, Vinh mang theo hung khí đã được chuẩn bị từ trước đột nhập vào nhà vợ với mục đích khống chế những người trong gia đình chị Lành rồi đưa vợ bỏ trốn vào Nam. Nếu bị ai chống đối thì Vinh sẽ giết chết rồi uống thuốc sâu tự tử. Thấy 2 anh em bên nhà vợ đang ngủ, Vinh dùng dao đâm tới tấp vào 2 người này khiến họ tử vong. Sau khi gây án, Vinh trốn ra Quảng Trị và tìm một nhà nghỉ viết thư tuyệt mệnh gửi lại cho cha mẹ đẻ, cho vợ và chủ nhà nghỉ rồi uống thuốc sâu tự tử. Tuy nhiên, Vinh được mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu.

Anh Trần Đại Quang (anh ruột Vinh) cho biết, học đến lớp 7 thì Vinh nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. “Lúc chưa có gia đình, Vinh đam mê lô đề đến mức phải cầm cố xe để trả nợ. Cứ mỗi lần Vinh đi cầm thì gia đình lại đi chuộc. Những tưởng lấy vợ xong Vinh sẽ tu chí làm ăn nhưng đến khi phải đi chuộc xe của vợ nó về trả cho nhà vợ thì gia đình không đi chuộc nữa”, anh Quang chia sẻ.

Giọt nước mắt muộn màng 

tu_tu_bat_khoc_khi_thay_con_trai_4_thang_tuoi_den_du_toa_1__xeip.jpg
Bà Nguyễn Thị Khánh Vân bồng cháu Trần Bình An đến dự phiên tòa. (Ảnh: Đ.Hoàng/Báo Gia đình và Xã hội).

Khi Hội đồng xét xử hỏi về tội danh của mình, bị cáo Vinh đã ôm mặt bật khóc nức nở. Những giọt nước mắt muộn màng đã không thể nào giúp sát thủ máu lạnh gột rửa hết tội lỗi của mình. Trước tòa, Vinh cho rằng, do công việc bấp bênh, vì muốn có tiền để lo cho vợ sắp sinh nên hắn tìm kiếm may mắn trong lô đề rồi chìm sâu trong nợ nần từ khi nào không hay. Chỉ trong 3 tháng nhưng số tiền nợ nần của Vinh lến đến 120 triệu đồng. “Vợ đã khuyên cứ cờ bạc mãi rồi cũng có ngày ăn trộm, ăn cướp, vào tù ra tội, bị cáo thấy vợ nói đúng nên cũng thấy thương và ân hận vô cùng nhưng không dứt ra được”, Vinh khai nhận.

Bà Hồ Thị Bê (mẹ vợ Vinh) cho hay: “Thấy con rể đổ đốn như vậy, tôi cũng đã khuyên ngăn và cho Vinh cơ hội để sửa chữa. Nhưng đến lúc con gái kêu khổ quá, không muốn sống với Vinh nữa tôi đành đón con về nhà mình. Mẹ nào thấy vậy mà chẳng thương con”.

Tuy nhiên, khi Vinh nhận ra lỗi lầm, muốn làm lại từ đầu thì mọi sự cố gắng hàn gắng của hắn đều trở nên vô vọng trước sự cự tuyệt của gia đình vợ. Vinh thú tội trong nước mắt: “Bị cáo muốn từ bỏ cờ bạc, muốn tu chí làm ăn nhưng cảm thấy lạc loài khi bị gia đình vợ xa lánh. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bị cáo gây ra tội ác đối với người thân gia đình bên vợ”.

Ngồi nép mình ở góc tòa, bà Nguyễn Thị Khánh Vân (mẹ Vinh) buồn bã kể: “Từ khi được sinh ra, cháu Trần Bình An (con Vinh) chưa một lần được ngửi hơi sữa mẹ. Lúc cháu sinh được một ngày thì cái Lành (vợ Vinh) để con lại bệnh viện, phải 7 ngày sau tôi mới biết và đến viện mang cháu về. Từ đó đến nay, cháu được ông bà nội nuôi nấng. Cháu phải uống sữa ngoài thay sữa mẹ. Vậy nhưng, sữa ngoài cũng do bà con làng xóm thương tình cho tiền để mua chứ ông bà nội cũng không có điều kiện”.

Tại phiên xét xử, vợ Vinh cho rằng: “Từ lúc xảy ra chuyện, tôi không có tâm trạng, không muốn liên quan gì với bên nhà nội nữa”. Câu trả lời đã khiến rất nhiều người có mặt không khỏi sửng sốt. Trước câu hỏi của Hội đồng xét xử: “Với vai trò là một người vợ, một người mẹ, sau khi sự việc xảy ra chị thấy thế nào?”, người mẹ trẻ chỉ biết lẳng lặng cúi đầu.

Trong khi đó, cháu Trần Bình An còn quá nhỏ để biết được rằng, lần đầu tiên cháu được gặp mặt cha lại chính trong phiên tòa đầy nghiệt ngã. Khoảng thời gian ngồi đợi Hội đồng xét xử luận tội, hình ảnh sát thủ Trần Xuân Vinh đau đáu nhìn con thơ từ xa rồi lấy tay gạt vội những dòng nước mắt khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy đau lòng.

Lớn lên mà thiếu đi tình thương yêu của cha mẹ là một điều quá thiệt thòi với cháu An. Hệ quả trước mắt có thể thấy là dù đã 4 tháng tuổi nhưng cháu vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Phiên tòa kết thúc với mức án cao nhất cho Trần Xuân Vinh là tử hình đã đánh lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đam mê đen đỏ, không chăm lo đến đời sống gia đình. Đây cũng là một bài học sâu sắc cho những bậc cha mẹ, đừng để sai lầm của người lớn là gánh nặng cho những đứa con thơ./.

 

Rạng sáng 25/6, tại gia đình bà Hồ Thị Bê (51 tuổi, trú tại thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã xảy ra một vụ trọng án. Vào quãng thời gian trên, Trần Xuân Vinh (32 tuổi, con rể của bà Bê) trèo lên tầng 2 dỡ ngói, đột nhập vào nhà, sát hại anh Huỳnh Văn Nhật (23 tuổi, con trai bà Bê) và anh Huỳnh Văn Tương (cháu họ bà Bê). Sau khi gây án, Vinh đi xuống tầng 1 với ý định sẽ sát hại vợ và mẹ vợ đang ngủ nhưng do cửa phòng đóng kín nên hắn không thực hiện được hành vi độc ác ấy.