16h30

Cuối giờ làm việc chiều nay, HĐXX nhắc nhở các cơ quan đã “hứa” trả lời văn bản gồm Ủy ban chứng khoán và Tổng cục Thống kê. Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết đã có văn bản nhưng chưa ký được nên chưa gửi HĐXX. Phía Tổng cục Thống kê đã có câu trả lời về việc xếp mã hàng hóa.

16h15

Đại diện VKS hỏi bị án Hải Yến- nguyên Kế toán trưởng ACBS: Biên bản họp HĐQT 15/5/2012 về việc các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20.000.000 cổ phiếu của Hòa Phát, cuộc họp này có thật không?

Bị án Nguyễn Thị Hải Yến: Tôi không được chứng kiến mà soạn biên bản theo chỉ đạo của ông Kiên. Anh Kiên chỉ đạo viết nội dung. Văn bản này theo form sẵn của Công ty, chỉ thay đổi nội dung số lượng cổ phiếu, giá cả. 

15h52

HĐXX: Số tiền 264 tỷ này do ai chuyển lại cho Hòa Phát?

Ông Trần Đình Long-Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: Do cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển ngày 12/6/2013. Nhận từ tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra.

HĐXX cho rằng: Hậu quả của vụ án đến thời điểm này đã được khắc phục với Hòa Phát nhưng không có nghĩa bị cáo Nguyễn Đức Kiên không có tội. 

15h40

Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ông Kiều Chí Công – Giám đốc Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát cho biết: Được lãnh đạo Cty chỉ đạo thực hiện. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng tôi không nhớ.

HĐXX: Việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên được tiến hành như thế nào?

Ông Công: Sau khi tôi ký hợp đồng cho ACI, cơ quan cảnh sát điều tra gặp chúng tôi và thông báo cổ phiếu đã bị thế chấp. Đến 5/9, có một đơn kiến nghị gửi Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu điều tra làm rõ. Đến nay, mọi hợp đồng đã mua bán lại bình thường, đã nhận lại 264 tỷ. Chúng tôi không có thiệt hại gì.

15h30:

HĐXX cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên để thẩm vấn những người liên quan làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

15h20

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi đại diện Thuế Đống Đa: Cty B&B đã có báo cáo mới, trong đó đã xác định lỗ 77 tỷ. Về mặt thuế, khi lỗ 77 tỷ Cty có phải nộp khoản thuế đáng lẽ phải nộp giai đoạn trước. Tôi muốn làm sáng rõ nguyên tắc tính thuế thế nào, chứ không phải cắt đoạn để nộp. Tôi muốn tham vấn để thêm kinh nghiệm, hiểu biết.

Thẩm phán đề nghị luật sư hỏi đúng nội dung liên quan vụ án là 25 tỷ thuế do bản án sơ thẩm qui kết. Ngoài 25 tỷ này thì không đề cập. Việc nộp 25 tỷ này như thế nào? Đối tượng và phạm vi trả lời thế nào thì ông Luật sư đặt câu hỏi cho có trọng tâm.

14h55

Luật sư Vũ Xuân Nam hỏi giám định viên thuế TNDN tính trên những căn cứ gì? Trong trường hợp B&B được áp dụng ưu đãi thì số tính toán 25 tỷ ấy có còn chính xác?

Giám định viên cho biết: Số 25 tỷ tính từ Hợp đồng ủy thác tài chính giữa B&B và ACB. Tuy nhiên, theo Thông tư 03 của Bộ Tài chính năm 2009, việc giảm thuế TNDN đối với B&B đã được áp dụng với thuế TNDN. Số thuế 25 tỷ từ hợp đồng, không có căn cứ để được miễn giảm thuế. 

14h45

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc Cty B&B có phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ không, đại diện Chi cục Thuế Đống Đa cho biết: “Nội dung này đã trả lời cơ quan cảnh sát điều tra. Xác định đây là DN vừa và nhỏ và đã được miễn giảm thuế theo chính sách của nhà nước”.

Trong phần HĐXX hỏi bà Lê Thị Thu Hà – Kế toán trưởng của B&B về doanh thu của Cty B&B là bao nhiêu? Bà Hà cho biết: “Thuế VAT nộp Nhà nước 68 triệu. Thuế thu nhập DN: lãi hơn 1 tỷ và đã nộp 181 triệu đồng”.

HĐXX cũng đề nghị bà Lê Thu Hà làm rõ căn cứ để xây dựng báo cáo tài chính năm 2009.

Sở dĩ, HĐXX yêu cầu nội dung này là vì căn cứ vào báo cáo thuế của DN theo kỳ, mức thuế phải nộp của B&B là theo báo cáo thuế nộp cho cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế đã chuẩn y số liệu trong báo cáo thì mới ra con số phải nộp là 181 triệu? Ở đây, HĐXX muốn hỏi để xác định khoản tiền B&B chuyển cho bà Hương 68 tỷ đồng có hợp pháp không, có phải đóng thuế không?

14h25 

Trả lời câu hỏi của luật sư về khoản lãi của hợp đồng giữa Cty B&B và bà Hương, bị cáo Kiên cho biết: Trong mọi trường hợp không có thuế phải nộp. Hợp đồng có giá trị 2 năm, chưa bao giờ phát sinh lợi nhuận thật từ hợp đồng này, dù tính từ năm 2009 đến giờ.

Luật sư hỏi: Có bao giờ anh nghĩ, mình sẽ phải làm gì đó để trốn thuế hay không?

Bị cáo Kiên: Câu hỏi này khiến tôi hơi bất ngờ, vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải làm một cái gì đó để trốn thuế.

14h15

HĐXX yêu cầu mô tả một hành vi cụ thể trong việc thực hiện một hợp đồng của Hương và B&B và B&B và ACB.

Bị cáo Kiên trả lời: Việc thực hiện trong ngày, gồm 3 hành vi: Đầu tiên là giá có thể lên và xuống. Tôi thông báo cho kế toán của B&B chuẩn bị các phiếu lệnh theo lệnh của tôi để thông báo vào ACB. Tôi gọi điện vào ACB đặt lệnh theo dự báo của tôi.

Một hành vi đặt lệnh với 2 tư cách: Một là được Hương ủy quyền và một là đại diện cho B&B.

HĐXX: Bị cáo khai trước tòa, bà Hương ủy quyền cho bị cáo với tư cách cá nhân. Bị cáo ủy quyền cho vợ. Bị cáo đứng ở tư cách là người đại diện pháp luật của B&B. Cùng một việc làm nhưng lúc thì đứng ở tư cách này, lúc ở tư cách khác?

Bị cáo Kiên: Đây là hai hành vi nối tiếp nhau. Chính vì thế tôi mới yêu cầu vợ ký hợp đồng, nếu không tôi đã tự làm hết rồi.

HĐXX: Có tài liệu nào ủy thác cho bị cáo làm việc này thay B&B?

Bị cáo Kiên: Có biên bản của B&B giao cho tôi thực hiện việc này.

HĐXX đề nghị kiểm tra biên bản này.

14h00:

HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên 

HĐXX: Bị cáo khai Hợp đồng ủy thác số 010109 do bị cáo soạn thảo. Trước khi soạn thảo, bị cáo có bàn gì với bà Lan và bà Thúy Hương?

Bị cáo Kiên: Tôi viết bằng tay và nhờ anh Trung đánh máy. Sáng 25, tôi đưa vợ tôi ký hợp đồng đầu tiên. Sau đó tôi đi uống cà phê và làm tiếp phụ lục hợp đồng. Đến trưa tôi đưa vợ tôi ký. Đến chiều tôi đưa vợ tối ký hợp đồng giữa B&B với ACB. Việc này được chia làm 3 đoạn. Vợ tôi không nắm chi tiết nhưng tôi nhớ là đưa vợ tôi ký vài lần trong ngày.

HĐXX: Bị cáo có nói với vợ?

Bị cáo Kiên: Tôi có nói với em tôi còn với vợ tôi thì không nói gì vì lúc ấy cô sắp sinh.

HĐXX: Việc ký hợp đồng giữa Cty B&B và bà Thúy Hương, bị cáo có bàn với vợ?

Bị cáo Kiên: Vợ tôi không liên quan gì, vì vợ tôi chỉ ký theo ủy quyền. Còn với Hương, tôi nói là cho phép đầu tư qua Cty B&B.

HĐXX: Vai trò của bà Hương trong hợp đồng này là gì?

Bị cáo Kiên: Vai trò quan trọng nhất là chủ thể hoạt động đầu tư này, lời – lỗ Hương phải chịu. Phụ lục hợp đồng tôi viết, Hương ủy quyền cho cá nhân tôi và tôi thực hiện với Cty B&B.

HĐXX: Năm 2009, Cty B&B có lãi không?

Bị cáo Kiên: Cty không chịu trách nhiệm về lời lỗ của hợp đồng này mà chỉ hưởng một mức phí là 1%.

----------------------------------------------------- 

Chiều nay (2/12), phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra.

Trước đó, trong phần thẩm vấn sáng nay (2/12), khi trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có nắm được nội dung các bản hợp đồng đã ký giữa Công ty B&B và bà Thúy Hương ủy thác giao dịch vàng trạng thái hay không, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) nói: “Tôi đủ nhận thức là khi ký phải đọc và phải hiểu. Trong trường hợp này, tôi tin tưởng anh Kiên, chồng mang về ký thì chẳng hỏi để làm gì, chắc là anh ấy sẽ không đưa tôi ký những cái sai”.

Nhiều văn bản có chữ ký của bà Đặng Ngọc Lan, tuy nhiên khi HĐXX hỏi bà Lan rất mơ hồ về các văn bản này vì cho rằng, thời gian đó mình ở nhà nuôi con nhỏ nên không để ý đến nội dung các văn bản này. Có những văn bản, khi cơ quan điều tra đưa ra bà Lan mới nhớ là đã từng ký.

Trong phần làm việc sáng nay, HĐXX dành phần nhiều thời gian cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên trình bày về hành vi trốn thuế, kinh doanh vàng trái phép.

Đặc biệt, trong phần thẩm vấn làm rõ hành vi kinh doanh vàng trái phép, HĐXX đã lấy lời khai trước tòa của những người liên quan, gồm bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên) và bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên)./.