Người xưa có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Hung dữ bản năng như hổ báo cũng biết đâu là con do mình đẻ ra, đâu là con mồi, huống chi là tình mẫu tử thiêng liêng nơi con người. Thế nhưng câu nói ấy chẳng một mảy may rớt lại trong trí não của người đàn bà dám bán cả con đẻ, cháu ruột.

Bỏ chồng sang Trung Quốc để làm vợ người đàn ông ngoại quốc, ngày trở về quê nhà, Vi Thị Vân, 42 tuổi, quê bản Làng Yên, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã dụ dỗ con gái cùng đứa cháu còn đỏ hỏn sang bên kia biên giới rồi ép trở thành vợ con của kẻ khác. Mục đích bất thành, Vân vẫn còn cố vớt vát, thị trơ tráo gọi điện yêu cầu con rể phải chồng đủ 30 triệu đồng để chuộc vợ con về nước.

ban_con_2_matp.jpgCăn nhà của anh Sử và chị Thành

 Lừa cả con đẻ, cháunhỏ đem sang Trung Quốcđể bán

Bản Yên Thành, xã Lục Dạ huyện miền núi Con Cuông những ngày đầu đông u ám như bừng sáng lên khi đón bà mẹ trẻ Lô Thị Thành (21 tuổi) và đứa bé Vi Thị Thùy Ân mới hơn 2 tuổi về tái hợp với người chồng người cha Vi Văn Sử, sau hơn 50 ngày lưu lạc bên đất Trung Quốc. Đớn đau ở chỗ, không như những trường hợp bị lừa bởi kẻ khác máu tanh lòng, Lô Thị Thành bị chính mẹ đẻ lập mưu, dẫn qua biên giới, rồi bị bắt ép làm vợ của một kẻ lạ mặt mà tuổi tác đáng gọi bằng bố. Những ngày kinh hoàng mãi ăn sâu vào tâm trí của người phụ nữ trẻ.

Đầu tháng 8 năm nay, một cách bất ngờ, chàng con rể Vi Văn Sử nhận được điện thoại của mẹ vợ Vi Thị Vân rằng, sau bao năm làm ăn xa cách, nay về quê thăm gia đình con cháu. Nghe thông báo, Sử vội vàng bắt xe khách xuống TP Vinh, ân cần chu đáo đón mẹ vợ về nhà. Rồi để mấy mẹ con bà cháu vui vẻ trong những ngày đoàn tụ, Sử lại tiếp tục đi làm thuê ở tận huyện Thanh Chương.

Ngày 7/9, đang khi làm việc, Sử rụng rời nghe người nhà gọi điện báo tin vợ và con gái mình cùng bà mẹ vợ đã không còn ở lại bản, không ai biết họ biến mất đi đâu. Tìm kiếm, gọi điện khắp chốn đều như bóng chim tăm cá. Một ngày, Sử gọi được vào điện thoại của mẹ vợ, vui mừng chưa kịp thấm, Sử ngã người khi nghe giọng nói ráo hoảng của bà Vân, rằng vì thấy mẹ con Thành sống khổ cực, là người làm mẹ làm bà, nên đã đưa hai mẹ con Thành sang Trung Quốc làm cuộc “đổi đời” sống sung sướng hơn. Điện thoại tắt ngấm, Sử bần thần chịu trận, từ đó trở đi anh không làm sao liên lạc được nữa.

Ở tuổi 25, bỗng nhiên mất cả vợ lẫn con, Sử mất hồn không ăn uống nổi, anh cũng không tha thiết gì công ăn việc làm, suốt ngày ngồi trông ngóng vô vọng trong căn nhà rách nát. Tiếc nhớ khôn nguôi. Đó là những ngày bi đát, bất lực trong quãng đời của một gã đàn ông như Sử.

Ông Thản và cháu Vi Thị Thùy Ân ở với ông để bố mẹ đi làm ăn xa

Cũng đột nhiên như ngày biến mất, khi Sử đang quẫn bức điên dại, thì điện thoại rung lên với cuộc gọi từ số máy của bà mẹ vợ. Vui mừng bất an lẫn lộn, Sử run run nghe máy, vang lên trong điện thoại vẫn cái giọng điệu lanh lảnh từ người mà anh đã từng gọi là mẹ vợ. “Chồng đủ 30 triệu đồng, đó là cái giá để đón vợ và con về nhà!” – giọng bà Vân vang lên bất nhẫn.

Vi Văn Sử xoay như chong chóng, trong nhà không có đến 300.000 thì đào đâu ra 30 triệu đồng chuộc vợ con về. Bản Yên Thành toàn gia đình khó khăn, không ai lấy đâu ra số tiền đó để giúp được Sử. Anh chàng dân tộc thật thà khóc lóc van xin, kể khổ than khó với bà mẹ vợ hòng mong chút lương tâm của bà còn sót lại chút tình thương xót. Kể mà bà Vân có đứng trước mặt, bà có nói Sử đập đầu xuống đất đến máu me loang lổ, có bò đi bằng cả bốn chân để chứng minh lòng thành thì anh cũng làm.

Điện thoại dây dưa gọi đi gọi lại, kỳ kèo làm giá trên số mệnh của Lô Thị Thành, Vi Thị Thùy Ân. Rồi có lẽ vì hết kiên nhẫn hay vì biết cảnh khổ nhà con rể, hoặc còn sót lại một chút xíu lương tâm, Vi Thị Vân đồng ý giảm giá xuống 4 triệu đồng. Thị nói với con rể, “Đó là chi phí đưa mẹ con nhà nó sang đây, chưa có lời lãi gì, giá đó là may phước với anh rồi. Đồng ý tiền trao thì người về, không chịu thì từ giờ coi như đã mất cả vợ lẫn con”.

Cắm sổ ngân hàng để chuộc vợ con

Từ 30 triệu xuống 4 triệu đồng, Sử cũng làm gì có. Nhưng ít ra anh vẫn nghĩ mình sẽ tìm được cách. Tréo ngoe thay, 4 triệu tiền để chuộc vợ chuộc con về nhà, Sử tìm đến nhà ông Vi Văn Thản - bố vợ của mình, đồng thời là người chồng cũ của Vi Thị Vân, xin ông giúp đỡ. Ông Thản không ngờ vợ cũ của mình làm một việc rồ dại đến thế. Từ khi vợ bỏ sang Trung Quốc, ông đã nhiều lần kêu về đoàn tụ nhưng không thành nên “từ mặt” cấm cửa không cho về nhà.

Ông Thản thầm thương cho Sử, chính ông cũng là người nếm trải nỗi đau mất vợ cách đây 2 năm, khi bà Vân trở thành nạn nhân của bọn buôn người, bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ kẻ khác. Nhưng người phụ nữ này đã mưu mẹo thoát khỏi kiếp sống tôi đòi, song cám dỗ từ cuộc sống từ bên kia biên giới khiến Vi Thị Vân đã biến chất. Vân trở thành má mì, chuyên lừa đảo những người phụ nữ khốn khổ khác. Lần này về quê, không ai ngờ Vi Thi Vân lại đang tâm lừa cả con gái mình.

Giận người vợ nhẫn tâm, thương con cháu, ông Thản đưa cho Sử cái sổ đỏ để đi vay ngân hàng. Ngày 23/10, Sử ra đến Móng Cái (Quảng Ninh) đón vợ con, rồi trao số tiền 4 triệu đồng qua người trung gian của bà Vân như đã thỏa thuận. Bất nhẫn với hành vi vô lương tâm của bà mẹ vợ, ngày hôm sau, 24/10, Vi Văn Sử đã làm đơn tố cáo gửi đồn biên phòng Môn Sơn trú chân trên địa bàn sinh sống.

Ngày trở về với bản làng, với người chồng khốn khổ của mình, Lô Thị Thành mừng vui bật khóc. Vợ chồng đoàn viên, Thành sụt sùi kể với chồng những ngày bà Vân ở lại nhà chơi. Hết ra rồi vào, mẹ con kề kề bên nhau là bà ve vãn, rủ rê, dụ dỗ Thành ôm con sang Trung Quốc mà sống cho nó sung sướng. Mới đầu, nghe sang nước khác Thành phát hoảng, chối đây đẩy. Nhưng sự khờ khạo của bà mẹ trẻ chốn núi rừng cũng dễ bị lừa qua vài tuần mẹ con to nhỏ. Thành không kiên định được trước những lời có cánh từ người mẹ ruột mang nặng đẻ đau.

Ai mà nói thế chắc Thành đã đuổi họ ra khỏi nhà, nhưng đằng này là mẹ mình, Thành tin quá đi chứ. Từ tin chuyển sang mê muội. Thành ngầm so sánh cuộc đời của mình lúc nào không biết. Thành thấy số mình khổ quá, Thành cũng muốn “một cuộc đổi đời”. Cho mình và cho con. Còn chồng, Vi Văn Sử, khi nào trở về, Thành sẽ cho Sử thấy mà sáng mắt ra, rồi Thành còn mơ mộng xây hình ảnh lúc mang cả chồng sang bên đó nữa. Thành gói ghém quần áo, bồng bé Vi Thị Thùy Ân mới hơn 2 tuổi, lặng lẽ chốt cửa khóa cổng theo bà Vân lên xe mà lòng ngập tràn hào hứng.

Chẳng phải chờ đợi xa xôi, gáo nước lạnh hắt ngay vào mặt Thành khi vừa mới bước chân sang đất khác. Thành phải lấy chồng mới – mệnh lệnh từ miệng người mẹ ruột như sét đánh ngang tai. Người mà bà Vân muốn ép con gái phải lấy là một ông Trung Quốc lạ hoắc, cục mịch xù xì nhìn qua đã biết phải hơn cả tuổi của bố ở nhà. Thành chết lặng cả con người, uất nghẹn không khóc nổi. Rồi đến khi khóc được, Thành ôm bé Thùy Vân trong người mà khóc như mưa như gió, quỳ gối kêu van thảm thiết. Vi Thị Vân – người mà Thành gọi là mẹ suốt mấy chục năm qua, lắc đầu lạnh lẽo.

Thành dọa chết cả mẹ cả con khiến Vân phát hoảng, sợ việc dại xảy ra, thị đành nhốt hai mẹ con Thành vào một căn phòng kín. Nhốt lâu cũng không ổn, bắt ép con gái lấy chồng sợ nó nghĩ quẩn mà chọn lựa đường chết, người đàn bà bất lương đành sử dụng cách cuối, trả con lẫn cháu về quê. Nhưng thị vẫn cố vớt vát, thòng thêm số tiền 30 triệu đồng cho chàng con rể làm điều kiện.

Xót xa, về được quê nhà, lo lắng vì số tiền đã vay mượn chuộc thân, vợ chồng Lô Thị Thành, Vi Văn Sử đã dắt díu nhau vào tỉnh Đắk Lắk làm thuê làm mướn, đành chấp nhận gửi đứa con nhỏ chưa quen xa hơi mẹ ở lại cho ông bà nội chăm sóc. Căn nhà tồi tàn, lụp xụp của hai vợ chồng cửa đóng im ỉm từ đó đến nay…/.