Phải mất tiền thì mới xin được việc làm. Một vấn đề không mới và được nhiều người dân chấp nhận như một thực tế. Ai đưa tiền và ai nhận tiền? Đó là điều quá nhạy cảm nên chẳng ai dám bày tỏ trước bàn dân thiên hạ. Chính sự bí mật và ngấm ngầm trong sự đưa – nhận đó mà không ít người dân đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo dưới hình thức nhận tiền hứa chạy việc rồi “bặt vô âm tín”. Vụ án mới đây mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái khởi tố đã hé lộ nhiều điều đáng để lưu tâm.

Đối tượng vừa bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1960, thường trú tại tổ 6, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, từng là giáo viên và là chủ tịch công đoàn của trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Trước đó, Công an huyện Yên Bình và Công an tỉnh Yên Bái liên tục nhận được đơn tố cáo của các hộ dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái và các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một đối tượng tên là Phương. Đối tượng này tự giới thiệu là giáo viên dạy tại một trường Tiểu học ở huyện Yên Bình. Bằng thủ đoạn sử dụng uy tín của cơ quan và cá nhân, Phương đã hứa hẹn xin việc cho con em của các hộ dân để nhận tiền và sau đó chiếm đoạt luôn số tiền đó.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã khẩn trương vào cuộc và nhanh chóng làm rõ chân tướng, hành vi, thủ đoạn của đối tượng này. Theo đó, với thủ đoạn nhận tiền rồi viết giấy vay nợ, từ tháng 8/2012 đến đầu tháng 3/2013, Nguyễn Thị Phương đã nhận gần 2 tỷ đồng tiền mặt và hứa hẹn xin việc cho con em của gần 30 hộ dân thuộc địa bàn các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thành phố Yên Bái và các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang…

Để tạo sự tin tưởng, Phương thường xuyên sử dụng một số người làm trung gian, giới thiệu Phương là giáo viên, chủ tịch công đoàn của một trường học có uy tín, có quan hệ họ hàng thân thiết với lãnh đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh, đã xin việc thành công cho rất nhiều người.

Bà Trần Thị Nga, thôn 10 xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, một nạn nhân cho biết: “Gia đình tôi nhẹ dạ cả tin đã đưa tiền cho bà Phương để xin việc cho con. Bây giờ việc cho cháu thì chả đâu vào đâu, số tiền đã mất quá lớn, không biết xoay sở thế nào. Xin việc cho con tôi chưa được, thế mà có lần hai mẹ con bà ấy đến với bao giấy tờ bảo tôi xem có ai xin việc thì giới thiệu cho bà ấy, bà ấy chi phần trăm cho. Tôi mới bảo rằng, bây giờ việc cho con mình còn chưa đâu vào đâu, sao dám giới thiệu cho người ta”.

Để nhờ Phương xin việc cho con em mình, mỗi gia đình đã phải trả cho đối tượng này số tiền từ 40-70 triệu đồng, cá biệt có một vài hộ đã đưa cho Phương tới hơn 100 triệu đồng. Hầu hết nạn nhân là người nghèo, nhưng vì con cái, đã sẵn sàng vay mượn ngân hàng, anh em họ hàng, thậm chí vay lãi bên ngoài để đưa tiền cho Phương. Bây giờ nhiều gia đình sống dở chết dở khi con thì không xin được việc, tiền vay thì sinh lãi từng ngày.

Trong căn nhà trống huơ trống hoác, bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn 5, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên vừa lăn dài những giọt nước mắt vừa nói: Khi nhờ xin việc cho con, gia đình chỉ có hơn chục triệu đồng, vay nhà nước chỉ được 30 triệu đồng, còn lại là vay anh em, hàng xóm mỗi người cho một ít. Bây giờ thì gia đình tôi cứ đi làm giả nợ cho người này một ít, người kia một ít”.

Mong muốn con em mình có công ăn việc làm ổn định là nguyện vọng chính đáng của tất cả các bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là với những người nông dân  nghèo. Chính vì vậy, họ đã dễ dàng tin tưởng giao tất cả của cải mà mình tích cóp, vay mượn được cho kẻ lừa đảo. Thực tế hiện nay cho thấy còn có rất nhiều sinh viên, học sinh ra trường không có việc làm, vậy nên chắc chắn vấn đề xin việc, chạy việc sẽ còn diễn ra phức tạp. Người dân, đặc biệt là người dân vùng cao nên đề cao cảnh giác, tránh rơi và cạm bẫy của loại tội phạm này./.