Sáng 22/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo trong vụ lừa đảo 68.000 người, xảy ra tại công ty Liên kết Việt do bị cáo Lê Xuân Giang (SN 1971) làm Chủ tịch.

Tại phần xét hỏi, Lê Xuân Giang thừa nhận việc sử dụng quân phục và quân hàm "dởm" trong các sự kiện thu hút khách hàng của Liên kết Việt và công ty BQP (công ty giả danh là trực thuộc Bộ Quốc phòng). 

Đáng nói hơn, Giang luôn sử dụng trang phục quân đội trong các video clip để tuyên truyền, lôi kéo bị hại, nhất là trong các sự kiện như Đại hội hoa hồng, trao Bằng khen của Thủ tướng (bằng khen giả), hội nghị khách hàng, khai trương chi nhánh văn phòng công ty...

Để tạo uy tín, Giang thuê Phạm Văn Út ở TP HCM để... làm giả bằng khen của Thủ tướng. Sau khi làm giả các loại bằng khen, danh hiệu, bị cáo Giang cho nhân viên tổ chức các chương trình đón nhận danh hiệu rầm rộ, quay video và livestream để lấy thanh thế.

Là một nạn nhân mất gần như toàn bộ tiền tích luỹ vào công ty lừa đảo của Lê Xuân Giang, ông P.H.T (67 tuổi, Hà Tĩnh) có mặt trong phiên toà ngày 22/12 với hi vọng có thể lấy lại một phần nào đó số tiền bị chiếm đoạt. "Tôi là cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch biên giới. Ở thời điểm 2015 khi thấy nhóm này giả danh công ty của Bộ Quốc phòng thì chúng tôi không biết, chỉ biết tin vào uy tín của Bộ Quốc phòng nên nghĩ không có chuyện lừa đảo được" - ông T. cho biết.

"Rất nhiều cựu chiến binh cũng bị lừa như tôi. Chúng tôi là những người lính, khi thấy hình ảnh của Giang mặc quân phục, đeo hàm đại tá và chụp ảnh với nhiều lãnh đạo thì rất tin tưởng nên mới bị lừa". - Ông T. chia sẻ thêm

Theo ông T., số tiền 300 triệu đồng ông định để dưỡng già nhưng do "mồi chài" từ Liên kết Việt, cộng thêm tin tưởng hình ảnh "đại tá dởm" nên đã nộp toàn bộ cho công ty lừa đảo này. 

"Giả danh quân đội, làm giả bằng khen của Thủ tướng, lừa đảo hàng vạn người. Tôi hi vọng toà sẽ có một phán quyết nghiêm minh đối với các bị cáo và bằng cách nào đó trả lại một phần tiền thiệt hại cho chúng tôi" - ông T. bày tỏ/.