Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân được khuyến cáo ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Chính vì vậy, việc mua bán hàng online nở rộ, người dân tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm, các thông tin liên quan đến khám chữa bệnh qua internet rất nhiều.

Lợi dụng dịch Covid-19 nhiều hình thức lừa đảo ra đời

Lợi dụng thực tế trên, nhiều hình thức lừa đảo mới trên không gian mạng cũng xuất hiện. Cụ thể, thời gian gần đây, một hình thức đầu tư rất kỳ lạ ra đời, đó là đầu tư vào vaccine thông qua ứng dụng R383, với số tiền lãi 5-8%/ ngày. Theo đó, người dùng bỏ ra một triệu đồng, sau một ngày có thể thu lãi gần 100 nghìn đồng. Tin rằng việc đầu tư qua vaccine COVID-19 có thể thu lời hằng ngày nên không ít người mất hàng chục triệu đồng khi ứng dụng bất ngờ sập không đòi lại được tiền.

 

Với chiêu thức quảng cáo như này, nhiều người dùng được dụ đăng ký tài khoản và chơi qua một trang web, hoặc một ứng dụng có tên gọi R383. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ, cũng như với các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chát trên Zalo hoặc Telegram. Và những người tham gia phải đầu tư vào những gói như: vaccin, khẩu trang, trang thiết bị y tế, hoặc kính phòng hộ

Và tương tự nhiều ứng dụng lừa đảo khác R383 có hàng loạt gói đầu tư, mỗi gói được đặt theo tên của một loại vaccine nổi tiếng trên thế giới . Đầu tư với số tiền càng cao thì tiền lãi càng cao và có nhiều hứa hẹn.

Tuy nhiên mới đây, khi số tiền đầu tư của các thành viên ngày một lớn hơn ứng dụng đã sập. Và rất nhiều người tham gia đã cho biết họ không tài nào lấy lại được số tiền. Và số tiền đã nạp này trung bình mối người là vài triệu, cho đến vài chục triệu đồng.

Theo cảnh báo Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đây là một kiểu tấn công lừa đảo rất điển hình trên internet thời gian qua khiến cho nhiều người bị ảnh hưởng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức Giám đốc Công ty an toàn thông tin Cyradar cho biết, các ứng dụng lừa đảo trực tuyến khai thác vào điểm yếu của con người đó là lòng tham, sự nhẹ dạ…. Còn kẻ xấu thì lợi dụng sự tiến bộ của công nghệ, lên các kịch bản khác nhau. Trong đại dịch phòng chống dịch Covid-19 các chiến dịch lừa đảo trực tuyến lợi dụng việc đầu tư vào vaccine hay các thiết bị y tế để kích thích lòng làm của con người.

Người dân tuyệt đối không truy cập trang web không chính thống

Dịch bệnh khiến nhiều người gặp khó khăn về tài chính, chỉ cần các trang mạng xã hội, có thể nhìn thấy hàng chục hội nhóm kiến tiền online, kiếm tiền 5.0 thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Nhưng hầu hết trong số này là lừa đảo với hình thức dụ người dùng bằng đầu tư với lãi suất cao không tưởng. Ví dụ như trang web lừa đảo mà lực lượng công an mới triệt phá có tên gọi Hitoption.

Theo đó, các đối tượng đã lừa đảo là công nghệ robot tự động, người chơi chỉ cần nộp tiền và đoán đúng các lệnh là người chơi sẽ được hưởng lợi nhuận 15-30%/tháng. Những đối tượng này còn thường xuyên đăng ảnh người chơi nhận lãi khủng mua nhà và đã dụ được hàng ngàn người chơi tham gia.

Chia sẻ với báo chí, Thượng tá Dương Nguyễn Chính, Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tệ nạn xã hội, Cục Cảnh sát Hình sự- Bộ Công an cho biết, thời gian qua, lực lượng công an các địa phương đã triệt phá rất nhiều đường dây lừa đảo đầu tư ảo qua các sàn đầu tư tài chính tại Hải phòng, Hà Nội,…Nhưng những sàn này không được cấp phép hoạt động. Theo thượng tá Chính, nhóm này đang lợi dụng, thậm chí lợi dụng các tên của sàn quốc tế để quảng cáo, mời gọi các nhà đầu tư và sàn này. Chính vì thế người đầu tư không nên tham gia vào các sàn không được cấp phép tại Việt Nam để đảm bảo mặt pháp lý và thu hồi vốn của nhà đầu tư.

Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, để tránh được những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội bằng công nghệ cao, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng và chuyển tiền cho các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Về vấn đề này, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã liên tục cảnh báo về các tình huống lừa đảo trên qua các kênh thông tin của NCSC.

Người dùng Internet Việt Nam có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến https://canhbao.ncsc.gov.vn. Trung tâm NCSC sẽ tổng hợp và phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý nhằm hạn chế việc lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. Đồng thời, hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn cũng là một trong những sản phẩm dịch vụ về an toàn thông tin của Trung tâm NCSC đã cung cấp các thông tin xác thực về tổ chức, giúp người dùng nắm bắt chính xác các thông tin tin cậy (website, email, số điện thoại…) của tổ chức.

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho rằng, người dân cũng cần phải tự nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo. Việc mà người dùng có thể làm ngay để ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua mạng là trực tiếp gửi các đường link lừa đảo hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến https://canhbao.ncsc.gov.vn./.