Mặc dù sự việc đã trôi qua được nửa tháng, chị Vũ Tuyết Nhung, (quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) sinh viên năm thứ nhất một trường đại học tại Hà Nội vẫn không thể quên được trận đòn từ chính những đồng nghiệp cùng công ty vào ngày 15/3. Nỗi uất ức, sự ám ảnh cùng với món nợ khiến chị rơi vào cảnh cùng quẫn đã thôi thúc chị tìm đến Báo An ninh Thủ đô kêu cứu. Chị Nhung bảo, không chỉ có chị mà còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang bị “dắt mũi” để nuôi béo những kẻ lừa đảo vô lương.
3 tháng sau khi nộp tiền vào công ty trên, chị Nhung nhận ra loại hình kinh doanh đa cấp này không phù hợp với mình. “Muốn có thu nhập, em sẽ phải đi lôi kéo các bạn khác tham gia mạng lưới và mua sản phẩm như em. Tiền thu nhập của em thực chất là khoản chia chác từ chính những đồng tiền của các người bạn đó. Như vậy thì khác gì lừa đảo. Ngoài ra, các sản phẩm của công ty chẳng có gì ưu việt và đầy rẫy trên thị trường với giá rẻ hơn. Em không thể làm tiếp thứ công việt “hút máu” bạn bè của mình như vậy. Do đó, em quyết định chấm dứt” – chị Nhung nói.
Nhưng để rút ra khỏi đường dây kinh doanh đa cấp này không hề đơn giản, nhất là với một sinh viên vẫn còn sống bằng những đồng tiền còm cõi của bố mẹ từ quê nhà gửi lên. Ngày 15/3, chị Nhung quay lại chi nhánh công ty tại số 252 Hoàng Quốc Việt với ý định xin rút lại khoản tiền đã nộp đồng thời tìm cách thu thập bằng chứng cho thấy các nhân viên ở đây đã vi phạm Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra ý định của chị Nhung, một nhân viên tại đây tên là Ngọc đã kéo chị ra quán ăn mang tên Lạch Tray để gặp 2 trưởng nhóm kinh doanh khác có tên là Huế và Hà. Chị Nhung cho biết: “Ngay tại quán Lạch Tray, ngoài chị Huế, anh Hà còn có thêm một vài nhân viên khác. Tất cả họ thi nhau chửi em là đến công ty để phá đám và đồng loạt lao vào đánh em tới tấp. Rất may lúc đó chị chủ quán Lạch Tray thấy em bị đánh quá đau nên đã chạy tới can. Thấy vậy chị Huế túm tóc em lôi ra ngoài cho mọi người đánh tiếp. Lúc này vì bị giằng xé nên chiếc áo em mặc rách tan nát, nhưng em vẫn cố vùng ra và bỏ chạy. Rồi em được một người bán nước tốt bụng gần đó cho mượn chiếc áo lành để mặc. Chính anh bán hàng cũng bức xúc và đưa em quay trở lại công ty để gặp cấp lãnh đạo cao nhất là anh Tân nhằm phản ánh sự việc. Tuy nhiên khi quay lại công ty, em đã bị giữ lại một lần nữa và bị bắt nộp điện thoại để họ xóa hết các dữ liệu, hình ảnh mà em đã thu thập được”.
Theo thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm, vụ việc chị Nhung bị hành hung tại chi nhánh Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam, văn phòng số 252 Hoàng Quốc Việt là có thật. Bước đầu cơ quan công an xác định có Nguyễn Thị Huế trú tại Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội là người cầm đầu. Huế cũng đã thừa nhận tham gia đánh chị Nhung còn có các nhân viên khác là Hạnh, Hoa, Ánh… Hiện chị Nhung đang được cơ quan điều tra giới thiệu đi khám thương để có cơ sở xử lý vụ việc.
Để làm rõ hơn những thông tin chị Nhung phản ánh, phóng viên An ninh Thủ đô đã liên lạc với Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam, tuy nhiên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của công ty cho biết lãnh đạo rất bận và đang đi công tác. Muốn tiếp xúc thì phóng viên phải gửi câu hỏi trước hoặc đặt lịch hẹn và… chờ./.