Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại phiên chất vấn với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động. Thủ tướng đã lấy ví dụ: Có văn hóa từ chức không? Có Nghị định về vấn đề này không? Ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó trình Chính phủ. Phải thay đổi như thế nào để văn hóa từ chức dễ chịu, dễ làm, dễ thực hiện.
Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: Quang Trung). |
PV:Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã nhấn mạnh sẽ loại bỏ cán bộ thoái hóa ra khỏi bộ máy, thực hiện văn hóa từ chức. Ông đánh giá như thế nào về phần trả lời của Thủ tướng?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, đây là lần đầu tiên Thủ tướng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội đã đề cập thẳng thắn vấn đề lựa chọn cán bộ, bổ nhiệm cán bộ và sẵn sàng loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ không đáp ứng được những yêu cầu của sự phát triển, quản lý đất nước trong tình hình đổi mới hiện nay. Ý kiến của Thủ tướng cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ. Quyết tâm đó nếu được thực thi trong thực tiễn thì nhất định sẽ mang lại chuyển biến căn bản trong cải cách hành chính hiện nay cũng như toàn bộ cải cách bộ máy nhà nước.
PV: Có thể thấy quyết tâm chính trị là rất lớn, cán bộ tốt hay xấu dân đều biết. Vậy tại sao lâu nay chúng ta chưa xử lý tốt bộ phận cán bộ yếu kém này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chúng ta đã biết từ rất sớm tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu kém nhưng xử lý được lại là cả một vấn đề rất khó. Nhiều khi quy trình xử lý cán bộ, công chức một cách kịp thời còn phụ thuộc toàn bộ quy trình công tác cán bộ chung của Đảng. Đó cũng là điểm cần lưu ý.
Sắp tới chúng ta cần cải tiến, đổi mới công tác cán bộ như thế nào kể cả bên Đảng và bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị một cách đồng bộ thì mới có thể giải quyết được. Chúng ta hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền thì hệ thống pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng chi phối việc lựa chọn đội ngũ cán bộ.
Sau này căn cứ vào văn bản pháp luật đó mà thực thi thì mới nhanh chóng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lãnh đạo quản lý trong bộ máy nhà nước, nếu không sẽ rất chậm trễ. Vì pháp luật cũng chính là kết tinh quan điểm, đường lối của Đảng và ý chí của nhân dân, nếu đi thẳng vào thực thi những quy định của pháp luật thì nhanh chóng sẽ gỡ được những vấn đề có khi biết rồi nhưng xử lý rất chậm.
PV:Một trong những khâu loại bỏ cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy chính là việc xin từ chức. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Từ chức là một văn hóa và cần quan niệm đó là việc bình thường, là một khâu trong quản lý lãnh đạo nhà nước. Nghiên cứu trong lịch sử cho thấy, thời phong kiến cũng có từ chức vì các vị bất mãn với với sự nhiễu nhương của quan trường. Còn bây giờ từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ hoặc tự chịu trách nhiệm về công việc mình phụ trách. Trong lịch sử Đảng ta cũng từng có từ chức.
Việc từ chức không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Sở dĩ văn hóa từ chức chưa trở thành phổ biến so với các nước, vì xét về mặt tâm lý, những người được bổ nhiệm chức vụ đều chịu tác động tâm lý từ gia đình, bạn bè, đồng sự, cấp trên, cấp dưới. Cho nên dũng cảm để nhận trách nhiệm để từ chức không phải là chuyện dễ dàng đối với từng cán bộ lãnh đạo quản lý.
Thứ hai, chức vụ quyền hạn thường gắn với lợi ích, nên việc từ bỏ lợi ích vật chất cũng không dễ dàng. Thứ ba, ở nước ta chưa quen với việc từ chức nên cảm thấy đó là vấn đề nặng nề.
Bản thân những người từ chức cũng nên được đánh giá đầy đủ bản lĩnh của họ. Nếu họ thấy không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà từ chức thì nên đánh giá cao hành động đó. Theo tôi, từ chức là rút lui trong danh dự đối với cán bộ lãnh đạo quản lý.
PV: Ngoài nguyên nhân trên thì pháp luật và những quy định đối với trách nhiệm người đứng đầu dường như còn chung chung, nên văn hóa từ chức vì vậy cũng hiếm thấy, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong luật công chức, viên chức cũng như toàn bộ hệ thống pháp luật đã có quy định về việc đó nhưng vẫn chung chung, không rõ ở trường hợp nào thì nên từ chức. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng nhắc tới trách nhiệm của người đứng đầu, tuy nhiên, trong thực tiễn cho đến nay, bao nhiêu người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương đã bị xử lý về trách nhiệm không làm đến nơi đến chốn thì thực tế chưa rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Văn hóa từ chức là cần thiết”
PV: Công tác cán bộ và loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa hay từ chức có được thực hiện hay không quan trọng vẫn là người đứng đầu, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Quyết tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, người đứng đầu ngành tư pháp… trong nhiệm kỳ này rất cao. Tất cả quyết tâm của người đứng đầu cần biến thành hành động và phải có những bước đi, quy định cụ thể.
Do đó, cần giao cho những cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đề xuất những biện pháp, giải pháp thực sự hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời giữ gìn được sự thống nhất, phát triển của bộ máy.
PV: Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận các biện pháp để thực hiện lời hứa trước Quốc hội về nội dung này và Bộ nội vụ phải làm việc này. Theo ông, phải thay đổi như thế nào để văn hóa từ chức dễ chịu, dễ làm, dễ thực hiện?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:Bộ Nội vụ phải tham mưu Thủ tướng và Chính phủ để hoàn tất những quy định không chỉ trong Nghị quyết của Đảng mà phải quy định bằng hệ thống pháp luật. Ví dụ, Luật công chức, viên chức, Luật tổ chức Chính phủ, Quốc hội cần có điểm: tất cả những đồng chí giữ trọng trách, cương vị lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp không hoàn thành nhiệm vụ phải từ chức. Ở đây dùng từ “phải”, “cho”, “nên” từ chức cần được sử dụng cẩn thận trong ngôn ngữ pháp luật. Các nhà lập pháp, quản lý nghiên cứu thấu tháo để đưa vào văn bản pháp luật. Chỉ có trên cơ sở văn bản pháp luật, Luật, cho đến những hướng dẫn cụ thể như Nghị định, thông tư thì mới có thể thực hiện một cách nghiêm túc.
PV: Xin cảm ơn ông./.