VOV.VN có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

vu_quoc_hung_cugy_fntd.jpg
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương 

PV: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông bình luận gì về kết luận này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Từng là một cán bộ kiểm tra, tôi thấy rất mừng vì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về nhiều vụ việc được dư luận quan tâm, trong đó có việc của ông Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi nghe thông tin, một số bạn bè đã gọi điện cho tôi hoan nghênh kết luận kịp thời của Ủy ban Kiểm tra. Cách làm và kết luận như vậy là đúng quy trình.

PV: Điểm nào trong kết luận này khiến ông trăn trở?

Ông Vũ Quốc Hùng: Trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu các cơ quan quản lý, các tổ chức đảng quản lý ông Trịnh Xuân Thanh cần phải kiểm điểm, như vậy tức là có vấn đề.

Yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra là đúng và rất cần thiết. Việc sai phạm của ông Thanh cần phải được kết luận rõ ràng. Tôi cũng mong rằng, các tổ chức kiểm điểm một cách nghiêm túc, với thái độ cầu thị, nhận ra những thiếu sót của mình và đó cũng là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm.

Mặt khác, cần phải làm rõ, vì sao một người có vấn đề như ông Trịnh Xuân Thanh lại “đi” qua tất cả các khâu trong công tác cán bộ, trái với quy định của Trung ương.

Tôi chỉ băn khoăn một điều về đào tạo cán bộ trẻ. Trách nhiệm của các tổ chức là rất quan trọng. Để một cán bộ có thiếu sót được di chuyển đến những vị trí khác và tiếp tục vi phạm là làm hại cán bộ. Nếu những cán bộ như thế ở những vị trí cao hơn thì còn làm hại cho đất nước.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

PV: Từ lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh về Bộ Công thương, rồi được luân chuyển vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh và mới đây nhất là trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Để xảy ra như vậy, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Để xảy ra như vậy, đó là sai sót của tổ chức quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ. Trước tiên trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cấp ủy, cơ quan giúp việc cấp ủy là Ủy ban kiểm tra các cấp, Ban tổ chức các cấp, Sở nội vụ. Đã có địa chỉ như vậy, chúng ta cần yêu cầu họ phải trả lời về trách nhiệm quản lý con người nói chung và quản lý cán bộ nói riêng.

Để xảy ra sai phạm, việc làm rõ trách nhiệm hay sai lầm không loại trừ một ai, có nghĩa là ở bất kỳ mọi cấp, không có vùng cấm và không loại trừ thời gian nào.

Như cuối thế kỷ trước, một vị Phó Thủ tướng khi làm Bộ trưởng đã để xảy ra tiêu cực trong Bộ đó. Khi về hưu, đồng chí đó vẫn được mời lên làm rõ vụ việc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo đồng chí phải kiểm điểm và vẫn xem xét kỷ luật.

Quay lại vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, việc yêu cầu các tổ chức Đảng, Tập đoàn Dầu khí, Bộ Công thương, tỉnh Hậu Giang phải kiểm điểm là cần thiết và đúng quy trình. Để xảy ra tiêu cực trong ngành mình phụ trách, thì người đứng đầu - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phải chịu trách và trách nhiệm đến đâu thì để Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có trách nhiệm kết luận.

Tôi mong các đồng chí xem xét vấn đề một cách khách quan, trung thực, đúng người, đúng sai phạm, không vì áp lực nào mà nói không chính xác.

PV: Theo dõi diễn biến của vụ việc, theo ông, có hay không “lỗ hổng” trong công tác cán bộ?

Ông  Vũ Quốc Hùng: Kinh nghiệm từ ngày tôi còn làm việc, chuyện đề bạt, cất nhắc, luân chuyển cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đều có quy trình chặt chẽ. Quy trình đó không chỉ có Ban Tổ chức Trung ương mà các ban Đảng cũng tham gia và không có trường hợp nào bỏ qua việc hỏi ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Do đó, lỗ hổng về quy định là không có.

Lỗ hổng ở đây là trách nhiệm, là sự nể nang, né tránh trong việc quản lý cán bộ. Như tôi đã nói, trong việc này có vấn đề về đào tạo thế hệ trẻ, đào tạo cán bộ trẻ.

Trách nhiệm của chúng ta là làm thế nào những cán bộ trẻ được đào tạo, được nhắc nhở, được trưởng thành, thành những người trụ cột trong các lĩnh vực của đất nước. Con người không ai hoàn hảo, điều quan trọng là phải được rèn luyện và cần sự giúp đỡ của tổ chức. Trách ông Thanh một phần thì trách các tổ chức nhiều phần.

PV: Qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, cần rút ra điều gì, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Điều thứ nhất, các tổ chức quản lý cán bộ xem xét lại sự nghiêm minh, đúng đắn, đảm bảo thường xuyên kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện cán bộ trẻ để họ khắc phục nhược điểm và trưởng thành.

Thứ hai là sự rèn luyện của mỗi cá nhân, khi làm việc ở đâu thì đều phải có sự rèn luyện, tu dưỡng.

PV: Xin cảm ơn ông!