Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bế mạc tại Hà Nội.  Nội dung quan trọng về công tác cán bộ đã được bàn bạc, xem xét và quyết định. Ông Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, làm công tác cán bộ, người đứng đầu phải thực hiện dân chủ, phải là người có đạo đức, văn minh, có tâm trong sáng và trọng danh dự…

le_dinh_son_ha_tinh_aruz.jpg
Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Ảnh: Tiền Phong

PV: Thưa ông, chống chạy chức, chạy quyền là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong các phiên thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7. Đây cũng là thực tế gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua. Ông đánh giá gì về thực trạng này?

Ông Lê Đình Sơn: Thực trạng chạy chức chạy quyền trong hệ thống của ta vẫn còn, nhiều chỗ còn nhiều. Việc này Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có kết luận và khẳng định muốn Đảng ta trong sạch vững mạnh, để dân thực sự tin tưởng vào Đảng thì dứt khoát phải thanh lọc đội ngũ cán bộ thoái hóa biến chất.

Chọn người sai sẽ để lại hậu quả khôn lường và thực tế chúng ta đã vướng phải. Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, quy chế quản lý quyền lực tôi cho rằng rất hay và chuẩn bị của Ban Tổ chức Trung ương về chuyên đề chống chạy chức, chạy quyền là rất kịp thời, khá kỹ, rõ cả về lý luận và thực tiễn.

PV“Chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức, cán bộ có nguyên nhân sâu xa nhất đó là sự tha hóa quyền lực và một bộ phận cán bộ suy thoái. Theo ông, cần làm gì để kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”?

Ông Lê Đình Sơn: Thứ nhất phải có thể chế, phải xây dựng thể chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần, "phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế", là hoàn toàn đúng. Nhưng theo tôi có thể chế rồi thì người vận hành cơ chế đó còn quan trọng hơn nữa. Bởi hư là do từ người vận hành mà ra. Điều này thực tiễn đã rõ.

Thứ hai, quy trình cán bộ cần phải dân chủ, công khai, đặc biệt phải minh bạch.

Thứ ba, phải đánh giá cán bộ đúng, đánh giá thực chất.

Thứ tư, phải kiểm tra ngay từng khâu khi thực hiện và nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm người đứng đầu.

Đề án có 6 nhóm nội dung liên quan đến chính sách cán bộ, nhưng chúng ta phải thực hiện nghiêm "không thể" và "không dám". Đây là biện pháp rất quan trọng, không để mỗi cán bộ lợi dụng, đồng thời “không dám” vì vượt kỷ cương kỷ luật phải thực hiện nghiêm. Điều này tôi rất hy vọng cụ thể hóa được để đưa vào cuộc sống.

PV: Thưa ông, vừa qua Ủy ban Kiểm Tra Trung ương đưa ra hàng loạt kết luận liên quan đến sai phạm. Theo ông nguyên nhân tại sao khi có cả tổ chức Đảng, có cơ quan giám sát như thế mà vẫn xảy ra sai phạm khiến dư luận phản ứng như thời gian qua?

Ông Lê Đình Sơn: Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là người đứng đầu. Khi người đứng đầu không muốn dân chủ, khi người đứng đầu có chủ nghĩa cá nhân, muốn dùng con cháu nhà mình thì họ sẽ có cách này cách khác để cho vào.

Vì thế khi quy trình bỏ phiếu thì 100% hết nhưng thực chất lại không phải vậy. Cho nên có câu quy trình đúng nhưng sản phẩm không đúng.

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để ngăn chặn được việc người đứng đầu thao túng công tác cán bộ?

Ông Lê Đình Sơn: Thao túng này rất hay dễ xảy ra. Vì khi ta trao quyền cho họ lớn thì họ xem thường cấp dưới. Nên việc đầu tiên phải có quy chế để vận hành quy trình đó thật chuẩn.

Thứ hai, người đứng đầu phải thực hiện dân chủ. Người đứng đầu thậm chí không được gợi ý trước. Mặc dù trách nhiệm quyền hạn phải gắn nhưng không được gợi ý trước mà để cho tổ chức làm. Cùng với đó là phải thảo luận dân chủ trong Ban Thường vụ, cấp ủy. Khi đó lấy tiếng nói chung đi đến thống nhất.

Nói tóm lại phải thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, Trung ương 4 khóa 12; Thực hiện Chỉ thị 05 về viêc làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, mỗi con người là phải đạo đức, là văn minh. Danh dự của người đứng đầu luôn phải nhớ để làm.

PV:Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!./.