vov_chung_cu_01__oyms.jpg
Chung cư là loại hình nhà ở đang phát triển. Tuy nhiên, vấn đề an toàn cho chung cư là điều nhiều người quan tâm, sau nhiều vụ hoả hoạn nguy hiểm đã xảy ra, và đã có những vụ gây thiệt hại về người. Những yếu tố sau đây có thể là lời khuyên cho bạn để lựa chọn chung cư an toàn.
Chung cư có khoảng trống và đường nội bộ chạy vòng quanh để xe cứu hoả, cứu hộ và việc triển khai cứu hộ có thể áp sát chân công trình ở bất kỳ vị trí nào trên mặt bằng. 
Chung cư không quá cao tầng, chỉ khoảng trên 10 tầng là vừa, hoặc bạn không nên chọn tầng cao quá. Bởi ở tầng cao quá, sẽ khó khăn hơn cho việc chạy thoát hiểm hoặc cứu hộ khi xảy ra hoả hoạn. Các xe thang cứu hộ hiện đại của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khả dụng trong điều kiện bình thường hiện chỉ có thể vươn tới cao độ tầng 15-17 (khoảng 50-55m). Một số xe vươn được cao hơn thì kích thước và tải trọng quá lớn, khó vận hành trong đô thị, khó tiếp cận công trình. 
Các chung cư không có tầng hầm an toàn hơn chung cư có tầng hầm hoặc có nhiều tầng hầm. Vì tầng hầm rất dễ bị ngập nước trong điều kiện đô thị Việt Nam hiện nay, gây hỏng xe. Bên cạnh đó tầng hầm ít có lối thoát hơn tầng nổi, khó khăn hơn trong công tác cứu hoả cứu hộ. Trong hoàn cảnh nào đó người bị kẹt ở tầng hầm cũng nguy hiểm hơn ở trên tầng nổi. 
Giao thông thuận tiện, logic, mạch lạc. Khoảng cách từ căn hộ hoặc bất kỳ điểm nào trên mặt bằng đi về các cửa thoát hiểm không quá dài (theo tiêu chuẩn là không quá 30m) Hành lang, sảnh cầu thang phải đủ rộng để thoát người. Thang máy và thang bộ phải đảm bảo đủ công suất tải khi đông người.
Cầu thang thoát hiểm phải đủ công suất và đúng tiêu chuẩn. Đó là thang kín, phải có các cánh cửa chống cháy ngăn với khu vực sảnh tầng, có hệ thống chiếu sáng, thông gió cưỡng bức khi hoả hoạn xảy ra, vách thang có khả năng chịu lửa, chịu nhiệt. Cần phân biệt thang thoát hiểm với hệ thống cầu thang bộ thông thường.
Hệ thống cầu thang bộ, hành lang trên các mặt bằng căn hộ phải có chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên. Bởi khi có sự cố, có thể sẽ mất điện và việc tìm đường thoát hiểm sẽ khó khăn hơn nhiều trong điều kiện thiếu sáng và khói xông, thiếu dưỡng khí.
Phải có hệ thống biển báo chỉ dẫn thoát hiểm, hệ thống chiếu sáng khẩn cấp trong trường hợp nguồn điện chính bị ngắt.
Các căn hộ phải có hướng tiếp cận ra ngoài chỗ thông thoáng như ban công, logia; toà nhà cũng phải có các khu vực tương tự như sân chung trên tầng, sân thượng để có thể cứu hộ bằng các phương tiện xe thang, cần cẩu, đệm hơi hay trực thăng khi hoả hoạn xảy ra.
Hệ thống báo cháy phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, báo cháy đúng và kịp thời. Một số toà nhà,  chung cư cao cấp có thể có hệ thống chữa cháy tự động tại khu vực báo cháy (vòi phun từ trần xuống). Hệ thống chữa cháy bằng vòi phun nước và bình xịt luôn phải trong tình trạng sẵn sàng, sử dụng hiệu quả.
Quản lý và thông tin toà nhà phải nhanh chóng, chuyên nghiệp để có thể ứng phó nhanh nhất khi có biến cố xảy ra. Việc xây dựng kịch bản ứng phó cho từng hoàn cảnh cụ thể là điều hết sức cần thiết. Việc diễn tập cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ.
Với những cư dân sống trong chung cư, cần học và rèn luyện kỹ năng ứng phó với biến cố; kỹ năng thoát hiểm, cứu hoả, cứu hộ, cứu nạn cho chính mình và những người khác. Đặc biệt là trẻ em cũng cần đào tạo những kỹ năng này.