Trung tâm Việt Nam học thuộc Đại học Quốc gia Kiev, Ukraine chính thức hoạt động từ tháng 9/2015. Trung tâm được mở nhằm thu hút sự quan tâm nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ dành cho các sinh viên tốt nghiệp phổ thông chuẩn bị lên đại học và muốn tìm hiểu về ngôn ngữ phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Dạy sinh viên Ukraine yêu tiếng Việt
Có thể nói, việc Trung tâm Việt Nam học đi vào hoạt động là một bước đột phá, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước.
Cô Hà Thị Vân Anh, người trực tiếp giảng dạy sinh viên Ukraine ở trung tâm cho rằng, để hội nhập với thế giới thì việc quảng bá văn hóa bằng các phương tiện thông tin đại chúng để mang giá trị Việt ra khắp năm châu vẫn chưa đủ mà cần phải đưa tiếng Việt ra khắp thế giới.
Cô chia sẻ, để khắc phục những khó khăn trong giảng dạy tiếng Việt cho các em sinh viên nước ngoài, trước tiên cô phải tìm những tài liệu, sách tham khảo tiếng Nga hoặc tiếng Ukraine dịch ra tiếng Việt để các em dễ hiểu. Bản thân cô đã tự soạn những bài giảng theo chủ đề thông dụng trong cuộc sống hàng ngày để các em dễ tiếp thu và dễ thực hành.
Cô Vân Anh còn đang ấp ủ nguyện vọng tự biên soạn giáo trình cho phù hợp với tiếng mẹ đẻ của các em và viết sách về ngữ pháp tiếng Việt căn bản dành cho những người bắt đầu học bằng những quy tắc sao cho dễ hiểu nhất.
Hiện nay, tổ bộ môn tiếng Việt gồm có năm giáo viên – hai giáo viên người Ukraine và ba giáo viên Việt Nam. Họ đều là những giáo viên có trình độ, yêu nghề và luôn tận tâm vun đắp cho tổ bộ môn tiếng Việt ngày một thêm vững mạnh. Đặc biệt là Victoria Musiychuk – Tiến sĩ Việt Nam học, một cô giáo luôn nhiệt huyết gieo mầm tiếng Việt trên đất nước mình.
Tiến sĩ Victoria Musiychuk từng học cùng lúc hai trường là đại học Tổng hợp Shevchenko Kiev và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với bảy năm học tập và nghiên cứu tại Việt Nam, cô là Nhà Việt Nam học hàng đầu của Ukraine. Bên cạnh việc ấp ủ biên soạn Từ điển Ukraine-Việt Nam, cô đang cùng nhóm dịch thuật của Trung tâm Việt Nam học nghiên cứu công trình văn hóa mang tầm cỡ quốc tế như Tuyển tập tác phẩm văn xuôi của Đại thi hào Taras Shevchenko, Tuyển tập truyện ngắn chọn lọc xuất sắc các nhà văn Việt Nam.
Đưa văn học Việt Nam sang trời Âu
Ở Trung tâm Việt Nam học còn có giờ học Văn học Việt Nam dưới sự hướng dẫn của nhà văn – dịch giả Vũ Tuấn Hoàng. Tại đây, các sinh viên có được những trải nghiệm về ngôn ngữ cũng như những khám phá mới mẻ về văn học Việt Nam. Thầy Tuấn Hoàng tâm sự rằng, đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là niềm mơ ước của rất nhiều nhà văn Việt Nam.
Việc độc giả nước ngoài tìm đến, đọc văn học Việt Nam là một việc khó nhưng không có nghĩa là không làm nổi. Theo thầy, việc này có thể thành công với sự cộng tác của các em sinh viên có vốn tiếng Việt khá tốt. Ngoài ra, hai dự án sách song ngữ mà Trung tâm Việt Nam học đang thực hiện sẽ được dùng làm giáo trình học tiếng cho các em học sinh và sinh viên của cả cộng đồng người Việt vừa để tham khảo và tự học nâng cao trình độ ngôn ngữ của mình.
Với thầy Vũ Tuấn Hoàng, việc giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam góp phần vào việc phát triển và củng cố mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ukraine. Với tư cách là một người viết, một người dịch văn học và một giảng viên, thầy Hoàng cũng đưa ra hai mục tiêu cho mình: giới thiệu cho độc giả Việt Nam những sáng tác của Taras Shevchenko và chuyển dịch một số truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam sang tiếng Ukraine và tiếng Nga.
Mới đây, trong buổi Lễ tôn vinh Cha đẻ của ngôn ngữ Ukraine – Đại thi hào, Nhà văn Taras Shevchenko nhân 202 năm ngày sinh của ông diễn ra tại Trường Đại học Kiev, thầy Vũ Tuấn Hoàng đã vinh dự thay mặt các thầy cô giáo Việt Nam đọc bản tham luận nói về cuộc đời và sự nghiệp, những dự định chuyển ngữ các tác phẩm của Taras Shevchenko ra tiếng Việt và giới thiệu văn học Việt Nam tới đông đảo sinh viên, giảng viên cũng như bạn bè quốc tế./.