Trong gia đình họ, cả vợ, chồng và những đứa con mang hai dòng máu Việt Lào cũng đều am hiểu nét văn hóa cũng như phong tục tập quán của cả hai quê hương bố mẹ chúng. Trong những ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu này, gia đình họ cũng rộn ràng chuẩn bị Tết Việt như bao người con đất Việt khác.

ban_chung_vov_jyrk.jpg
Anh Phanthong (trái) cùng bạn bè gói bánh chưng.

Gói cả Tết vào bánh chưng xanh

Ghé thăm gia đình anh Phanthong-cán bộ Đài Truyền hình Quốc gia Lào và chị Thắm, không khí Tết đã rộn ràng từ rất sớm. Năm nào anh chị cũng tổ chức gói bánh chưng, mời rất nhiều bạn bè cả người Việt và Lào cùng gói, cùng trông nồi bánh và liên hoan tất niên.

Năm nay con gái chị đi học ở Việt Nam về còn mang theo rất nhiều đặc sản của Việt Nam để mọi người cùng thưởng thức. Tết này anh chị gói được gần 100 cái bánh, phải luộc bằng hai nồi to mới hết.

Chị Thắm cho biết: bánh chín sẽ đi một lượt nhà bạn bè để chia, để ai cũng biết đến món bánh chưng của Việt Nam và biết đến ngày Tết của người Việt. Chúng tôi, những người Việt không có điều kiện về xum họp với gia đình cũng cảm thấy ấm lòng hơn khi được thưởng thức những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Việt trên đất Lào này.

“Tết nhớ Bố Mẹ”

Anh Khamphong và chị Thái đã lấy nhau được 17 năm. Anh là cán bộ công tác ở bệnh viện Quân đội 103-Lào,  còn chị có Công ty riêng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Kham phong cho biết:  Tết Việt hàng năm trong gia đình anh cũng như các gia đình Việt khác, cũng chuẩn bị đầy đủ để các con hiểu về phong tục tập quán của Việt Nam, nhất là bánh chưng không thể thiếu.

Còn với chị Thái, thời khắc giao thừa là lúc nhớ nhà nhất. Chị chia sẻ: “ Tôi cũng chuẩn bị đầy đủ các món ăn Việt Nam tại  Lào để cho các cháu biết phong tục ngày tết ở Việt Nam như thế nào. Làm một mâm cơm cúng tất niên, mừng tuổi các cháu cho may mắn, để các cháu gọi điện về Việt Nam chúc tết ông, bà, dì, cậu. Lúc đấy rất là nhớ nhà, nhớ bố mẹ, mặc dù sang đây có gia đình riêng,  có chồng có con bên cạnh nhưng đến lúc đấy thì ai cũng có cảm giác muốn được ở gần với gia đình mình, bố mẹ mình hơn”.

Cành mai rừng tại Lào báo hiệu Tết đến

Bố và các con đều yêu văn hóa Việt Nam

Cũng giống như các gia đình “hữu nghị” Việt Lào mà chúng tôi có dịp ghé thăm trong những ngày giáp Tết này, Anh Khăm phả (Khampha) và chị Đào cũng tất bật với những chậu cây cảnh mà anh chị cất công đi tìm mua ở chợ rừng, anh nói ở đây hoa đào hiếm nhưng mai rừng rất sẵn, vậy là Tết Việt đã ấm áp trong gia đình anh chị rồi.

 Chị Đào cho biết: chị lấy chồng Lào cũng được hơn 20 năm, cũng có năm về Việt ăn Tết nhưng chủ yếu là đón Tết tại Lào, mời bạn bè đến dự tất niên và ăn các món ăn ở Việt Nam. Ông xã chị rất am hiểu văn hóa Việt Nam và tình yêu Việt Nam trong anh được lan tỏa trong các con.

 “Gần đến Tết thì gói bánh chưng, đến ngày ông Công ông Táo về trời cũng nói cho các cháu biết và làm lễ, thả cá ra sông, 30 tết thì làm tất niên, đầu năm mới thì đi chùa, ở Việt Nam làm thế nào thì trong gia đình tôi cũng làm theo như thế để cho các cháu hiểu phong tục của Việt Nam, dù sinh ra ở Lào nhưng cũng hiểu được Tết Việt như thế nào.

Giao thừa bố sẽ mừng tuổi cho từng thành viên trong gia đình. Bố thường nói với các con, ngày tết theo phong tục Việt Nam là gia đình phải xum vầy ấm cúng, mừng tuổi cho con cái để cho cả năm may mắn, dậy các con phải biết phong tục tập quán của người Việt Nam”, chị Đào chia sẻ.

Tết Việt trên đất nước hoa Champa đang đến thật gần, đường phố thủ đô Vientiane những ngày này tràn ngập sắc xuân, và trong nhưng gia đình Việt Lào ấy, nào mai, nào bánh, nào mứt… lan tỏa một nét văn hóa của người Việt và ấm áp một tình yêu Việt Nam./.