Với sức chứa khoảng 500 người, Hội trường Trung tâm tổ chức sự kiện Đông Đô nằm trong Trung tâm thương mại Sa Pa ở thủ đô Praha đã không còn một chỗ trống. Nhiều gia đình người Séc đưa cả ông, bà, bố mẹ, thanh thiếu niên, thậm chí các cháu nhỏ tới để cùng giao lưu, và để khám phá nét độc đáo trong văn hóa của người Việt nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Không gian của đêm giao lưu được bày trí khá hài hòa, với phần chủ đạo tái hiện khung cảnh và không khí Tết của Việt Nam như khu Chợ hoa xuân, khu di tích Khuê Văn Các – Quốc Tử Giám, Cầu Thê Húc, Chợ Bến Thành, khu ẩm thực, khu trẻ em tô vẽ, và khu ông đồ cho chữ.
Màn múa lân sư rồng đầy sôi động đã mở màn cho đêm giao lưu, gây ấn tượng mạnh với người xem. Hàng trăm ánh mắt chăm chú dõi theo từng động tác nhảy múa, lăn, trườn, bò của các chú lân sư trên sân khấu và để rồi họ cùng vỡ òa với những tràng pháo tay không dứt sau mỗi màn biểu diễn.
Nhiều người trong số họ không biết rằng màn múa lân sư rồng thường được biểu diễn trong những ngày lễ Tết hay dịp khai trương của người Á Đông, trong đó có Việt Nam, với mong muốn mang tới sự may mắn, thịnh vượng, tài lộc cho gia chủ trong cả năm.
Chị Lenka Gelbicova, một bác sĩ làm việc ở thủ đô Praha, nói rằng chị rất thích màn biểu diễn mở đầu: “Tôi đã từng xem múa lân trên truyền hình, nhưng thú thực đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt xem múa lân ở ngoài đời. Thật thú vị và sôi động. Tôi không nghĩ nó lại có ý nghĩa hay đến vậy và tôi chúc cho các bạn luôn được may mắn”.
Ẩm thực luôn là phần được nhiều người mong chờ nhất đêm giao lưu. Để tăng thêm tính đồng quê thôn dã, khu ẩm thực được thiết kế như một phiên chợ quê nơi trưng bày các món ăn ngày Tết. Ngoài những món ăn vốn từ lâu đã khá quen thuộc với người dân Séc như giò, chả, hay nem rán, lần này Ban tổ chức bổ sung thêm món bánh chưng xanh mang đậm hương vị của ngày Tết.
Nhiều người Séc tỏ ra khá bất ngờ khi thưởng thức bánh chưng cùng món nem rán kèm dưa góp. Nhưng với bà Marta Hruba, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo K Lukam ở thủ đô Praha, nơi có tới 40% trẻ là người nước ngoài, đa số là người Việt Nam, bà đã có dịp thưởng thức hai món ăn này và rất thích thú.
“Với số lượng lớn trẻ Việt Nam ở đây nên chúng tôi có hẳn hai Tết trong năm là dịp Lễ Noel và Tết âm lịch như các bạn. Trong số các món ăn Việt Nam, nổi tiếng vẫn là nem rán và bánh chưng xanh ngày Tết. Chúng tôi không những biết ăn bánh chưng luộc mà còn rán bánh chưng để ăn như người Việt Nam. Tôi ngạc nhiên là cả học sinh trường tôi lẫn giáo viên đều thích các món ăn này của Việt Nam”, bà Hruba nói.
Một phần không thể thiếu được trong văn hóa ngày Tết của Việt Nam là hình ảnh ông đồ già tay mài nghiên hí hoáy cho chữ người đi xin lộc đầu năm, mong năm mới được sức khỏe, hạnh phúc, bình an, thành công trong công việc và cuộc sống. Chính vì vậy khu ông đồ già luôn thu hút một lượng lớn người đến xem và xin chữ bởi với họ phong tục này hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm mà chỉ các nước văn hóa Á Đông mới có.
Cầm trên tay tờ giấy hồng điều có chữ Thành Công bằng cả hai ngôn ngữ Việt – Séc, ông Milan Chmelik, nhân viên ngân hàng quốc gia Séc, khoe sau khi được giải thích ông đã hiểu được ý nghĩa của việc cho chữ đầu năm, và ông chọn chữ Thành Công thay vì chữ Hạnh Phúc hay Thịnh Vượng, với ước mong năm mới sẽ mang lại cho ông nhiều thành công.
Ông Milan Chmelik chia sẻ: “Tại sao tôi lại chọn chữ này ư, tôi nghĩ trong cuộc sống ai cũng cần phải có sự thành công, thành công trong công việc, trong cuộc sống, trong tình yêu, hay hạnh phúc. Đối với tôi, chữ Thành Công phải bao hàm đủ các yếu tố trên. Tôi cũng đã có tuổi và không còn nhiều thời gian nữa nên tôi càng phải cần có sự “Thành Công” này nhiều hơn người khác”.
Những người dân Séc tham dự đêm giao lưu cũng được thưởng thức các tiết mục biểu diễn văn nghệ xen kẽ trong chương trình, trong đó có đoạn trích một giá Hầu đồng ngày xuân – một loai hình văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ lâu nhiều người dân Séc đã biết tới đất nước, con người, cùng nghệ thuật ẩm thực và các làn điệu dân ca quen thuộc của Việt Nam thông qua các sự kiện văn hóa được tổ chức tại các địa phương của Séc. Qua đêm giao lưu, một lần nữa nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, đặc biệt là phong tục ngày Tết cổ truyền, lại được giới thiệu rộng rãi tới người dân bản xứ, góp phần tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết và hữu nghị giữa hai dân tộc.
Một số hình ảnh tại đêm giao lưu:
Ông đồ già tất bật với công việc cho chữ đầu năm. |
Chị Lenka Gelbicova và con gái háo hức xem màn múa lân. |
Hội trường Trung tâm tổ chức sự kiện Đông Đô chật kín người xem. |
Trích một tiết mục hát hầu đồng trong đêm giao lưu. |