Kỳ thi năng lực Tiếng Việt do Hiệp hội giao lưu phổ cập ngôn ngữ các nước Đông Nam Á phối hợp với Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản tổ chức.
Quang cảnh buổi thi. |
Chủ tịch Hiệp hội giao lưu phổ cập ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản, ông Fujino cho biết, đến thời điểm này, đây là kỳ thi năng lực tiếng Việt duy nhất tại Nhật Bản với mục đích khuyến khích người Nhật Bản nói tiếng Việt, gắn Tiếng Việt với công việc, với hoạt động tăng cường giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Thông qua ngôn ngữ, con người sẽ hiểu biết nhau hơn và tin tưởng nhau hơn, đóng góp vào sự phát triển của quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Kỷ thi lần II thu hút 565 thí sinh dự thi, tăng mạnh so với 379 thí sinh dự thi lần thứ I được tổ chức vào năm 2017. Thí sinh cao tuổi nhất 82 tuổi, ít tuổi nhất 15 tuổi. Đối tượng dự thi rất phong phú từ học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người về hưu… đều tham gia.
Chủ tịch Hội đồng thi Năng lực tiếng Việt, ông Yanagisawa Yoshio cho biết kỳ thi đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các thí sinh từ nhiều địa phương trên khắp Nhật Bản, từ các địa phương lân cận Tokyo như tỉnh Chiba, Saitama, Kanagawa... đến các thí sinh đến từ những điểm cực Đông, cực Tây của Nhật Bản như Hokkaido và Okinawa, các thí sinh đến từ các tỉnh Aomori, Kumamoto...
Tổng cộng có 27 địa phương có thí sinh tham dự kỳ thi lần này. Nhiều thí sinh ở các tỉnh xa đã đáp tàu Shinkansen đến Tokyo sáng 24/6 để tham dự kỳ thi.
Khai trương lớp học tiếng Việt tại thành phố Ekaterinburg, Nga
Theo ông Đinh Sỹ Diên, người ra đề thi thuộc Khoa ngôn ngữ Châu á-Châu Âu, trường Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản, có thể từ kỳ thi lần III sẽ có thí sinh đăng ký dự thi ở cấp độ 1.
Tổng thể ở kỳ thi lần này, cấp 5 là cấp độ có số lượt thí sinh đăng ký thi nhiều nhất với tổng cộng 128 thí sinh. Cấp độ 2, có lượt thí sinh thấp nhất với 54 lượt.
Các thí sinh dự thi đều cho rằng, đề thi phù hợp với năng lực của thí sinh ở từng cấp độ. Đồng thời, nội dung đề thí có nhiều kiến thức về Việt Nam, quan hệ hai nước, do vậy qua đề thi, thí sinh cũng hiểu hơn về văn hóa, đất nước con người Việt Nam.
Các thí sinh tham gia có nhiều người do yêu mến Việt Nam, có bạn bè là người Việt Nam nên đã học tiếng Việt. Ở cấp độ cao 2 và 3, đa phần các thí sinh có mục đích học tiếng Việt để làm việc tại Việt Nam.
Anh Hitoshi Tomita, hiện đang làm việc tại công ty Nippori có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cho hay, anh học tiếng Việt không chỉ sử dụng công việc mà còn có thể trong tương lai sẽ kết hôn với một phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen, ông Ise Yoji. |
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen, ông Ise Yoji, cho biết những năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Nhật bản phát triển vô cùng mạnh mẽ bởi hai nước đã có lịch sử giao lưu từ cách đây hàng trăm năm và đều là những quốc gia có văn hóa, lịch sử lâu đời. Hiện tại, quan hệ hợp tác ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…cũng rất phát triển và nhu cầu học tiếng Việt của người Nhật Bản ngày càng tăng.
Do vậy, Hiệp hội giao lưu phổ cập ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản đã chọn tiếng Việt là ngôn ngữ đầu tiên để tổ chức thi năng lực quy mô quốc gia.
Ông Ise khẳng định rằng, kỳ thi năng lực tiếng Việt được tổ chức với độ tin cậy cao khiến lượt thí sinh đăng ký năm nay tăng mạnh so với kỳ thi lần thứ nhất. Ông hy vọng các kỳ thi tiếp theo sẽ được tổ chức một cách chuyên nghiệp hơn, thu hút lượng thí sinh đông đảo hơn.
Ông Phạm Quang Hưng, Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định rằng, để khuyến khích người Nhật Bản học Tiếng Việt, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ hỗ trợ để giúp cho kỳ thi có tính khách quan cao và đánh giá chính xác năng lực của các thí sinh, đồng thời hỗ trợ sự phối hợp với các khoa tiếng Việt tại các trường Đại học của Việt Nam, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của kỳ thi này. Theo kế hoạch, kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ III sẽ được tổ chức vào ngày 23/6/2019./.
Cảnh sát Nhật Bản học tiếng Việt: Vui hay buồn?