28 sinh viên Việt Nam khóa đầu tiên tại Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân Obninxk, thuộc Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga, vừa tốt nghiệp xuất sắc. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự thành công của nhóm sinh viên Việt Nam, cũng là sinh viên nước ngoài đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo trong chương trình hỗ trợ của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM).

Để ghi nhận sự kiện này, một tấm bảng đồng đã được trang trọng gắn lên tường tòa nhà Hữu nghị, mới được xây dựng, thuộc trường Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI), nhằm tôn vinh khóa học viên quốc tế đầu tiên tốt nghiệp tại đây.

Lễ tốt nghiệp và trao bằng cho các sinh viên Việt Nam được tổ chức trang trọng tại Nhà Văn hóa thành phố với sự tham dự của Ban Lãnh đạo Nhà trường, đông đảo thầy, cô giáo, sinh viên của trường cùng các đại biểu đến từ Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia ROSATOM, các cơ quan chính phủ, lãnh đạo Tỉnh Kaluga, thành phố Obninsk và cộng đồng khoa học. Đây là mảnh đất có dấu ấn lịch sử của ngành năng lượng hạt nhân, nơi đầu tiên thực hiện các hoạt động về nghiên cứu năng lượng hạt nhân.

vov_3_ggzl.jpg
Nhóm sinh viên đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp xuất sắc ngành Nghiên cứu Hạt nhân tại Nga.

Phát biểu sau khi trao Bằng “Đỏ” cho 1 trong 5 sinh viên xuất sắc, ông Vladimir Potiomkin, Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Kaluga khẳng định: “Đây còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử rất quan trọng trong mối quan hệ Nga – Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị, gắn bó không chỉ trong lĩnh vực hợp tác năng lượng hạt nhân mà còn có sự liên kết về phát triển nông nghiệp trong một dự án hơn 1,5 tỷ USD với một tập đoàn lớn của Việt Nam đặt tại tỉnh Kaluga”.

Ông Valery Karezin, Giám đốc các dự án giáo dục - Bộ phận Nhân lực thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia ROSATOM khẳng định đây là một ngày rất đáng nhớ đối với thành phố, với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nga, và đối ngành năng lượng nguyên tử Nga nói chung bởi họ đã đào tạo được một lứa sinh viên nước ngoài với kết quả xuất sắc tại Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân Obninsk thuộc Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia MEPhI.

Ông Karezin tin rằng đây sẽ là cơ sở hợp tác trong tương lai khi các sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng kiến thức của mình khi làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở nghiên cứu hạt nhân và nhiều công trình khoa học liên quan không chỉ ở Việt Nam mà còn là ở các quốc gia khác.

Tấm bảng đồng đã được trang trọng gắn lên tường tòa nhà Hữu nghị

Hiện nay có khoảng 1.400 sinh viên quốc tế, trong đó có 400 sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình thuộc dự án của ROSATOM tại Nga và được đào tạo đặc biệt trong ngành kỹ thuật hạt nhân tại các cơ sở đào tạo hàng đầu LB Nga. 28 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp lần này cũng là những sinh viên đầu tiên du học Nga với chuyên ngành thiết kế, vận hành, xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ông Oleg Nagornyi, Phó Hiệu trưởng Thứ nhất Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân, đánh giá rất cao năng lực của các sinh viên Việt Nam, nhất là lứa sinh viên vừa nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc.

Ông Nagornyi khẳng định: “Về kỹ thuật hạt nhân thì không chỉ là nhà máy điện hạt nhân mà còn có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nữa như y học nguyên tử… và các em đã tốt nghiệp hoàn toàn có thể làm việc ở những trung tâm như vậy”.

Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân Obninxk, thuộc Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI) vẫn tiếp tục đào tạo các chuyên gia về nhà máy điện hạt nhân cho các quốc gia khác nữa như Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari, Bangladesh và nhiều nước trên thế giới.

Nam sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Đối với các sinh viên tốt nghiệp lứa đầu tiên, đặc biệt là tốt nghiệp xuất sắc, các em cũng có những tâm trạng vui, buồn trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, chặng đường khoa học mà các em đã bắt đầu là một chặng đường dài và còn nhiều việc để tiếp tục thực hiện.

Chia sẻ ý kiến về khía cạnh này, Nguyễn Trị, nguyên là đơn vị trưởng nhóm sinh viên Việt Nam tại Học Viện Kỹ thuật Năng lượng hạt nhân Obninxk, người đã tốt nghiệp xuất sắc, cho biết: “Em có rất nhiều dự định trong tương lai, nhưng có một dự định em cho là rất tốt, đó là tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Chắc em sẽ nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết của vật lý nguyên tử. Em muốn chia sẻ với các bạn đang còn học ở đây là cần có hứng thú học tập và quan trọng hơn nữa là phải đam mê”.

Hoàng Văn Chí cũng là 1 trong số sinh viên khóa đầu, rất xúc động với lễ Tốt nghiệp mà Nhà trường đã trang trọng tổ chức. Chí cho biết: “Điều đầu tiên em thấy khi đến đất nước Nga rất lạnh nhưng tình người là rất ấm áp. Trong suốt hơn 6 năm trời thì các thầy cô và bạn bè luôn luôn giúp đỡ. Trong tương lai chắc em sẽ trở lại nước Nga, còn bây giờ em sẽ tìm một công việc gì đó phù hợp với mình và sau này thì sẽ tiếp tục học lên nữa”.

Chia sẻ về những ưu việt trong công tác đào tạo của Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân nói riêng, Ngành khoa học Năng lượng Hạt nhân của Nga nói chung, em Trần Duy Quang cho biết: “Vào những năm cuối, nhà trường thường tổ chức các đợt thực tập vài ba tuần và chúng em được thầy cô giới thiệu những công nghệ điện hạt nhân tiên tiến nhất của Nga để chúng em có cái nhìn khách quan hơn, chi tiết hơn về ngành học của mình”.

Ông Nguyễn Trung Hà, Tham tán, Trưởng phòng Công tác Lưu học sinh của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cho biết về những khả năng tương lai của các sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây.

Ông Nguyễn Trung Hà, Tham tán, Trưởng phòng Công tác Lưu học sinh của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga phát biểu.

Đại sứ quán Việt Nam ở LB Nga cũng đã có những đề xuất đào tạo cho trường. Thứ nhất là đối với hệ học ở đây là đào tạo chuyên gia hơn 5 năm cộng với 1 năm dự bị là 6 năm rưỡi thì đề nghị cho chuyển hệ là cử nhân 4 năm, nhưng sau 4 năm đó sẽ chuyển đổi để đào tạo có tính chuyên sâu và khả thi, thích ứng với các lĩnh vực sẽ được áp dụng ở Việt Nam, ngoài việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Thứ hai là về ngành nghề thì hiện nay nhiều em đã học hết những môn cơ sở với kiến thức chung thì sẽ đề nghị cho chuyển chuyên ngành, cũng là trên cơ sở những kiến thức hạt nhân nói chung phù hợp với yêu cầu và có khả năng thích dụng đối với nền kinh tế Việt Nam, trong các lĩnh vực phục vụ công tác nghiên cứu về năng lượng hạt nhân, phục vụ cho các công việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân. Có rất nhiều lĩnh vực như y tế, xây dựng, nông nghiệp… đều có các cơ sở ứng dụng những kiến thức này vào để biến đổi công nghệ, áp dụng các công nghệ…

Ngoài ra, em nào có năng lực cũng có thể tiếp tục đào tạo nâng cao vì các trường cũng rất cần đội ngũ chuyên gia, các giảng viên tham gia công tác giảng dạy…

Với kết quả học tập rất tốt của lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, với sự hợp tác quý báu của Liên bang Nga và Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình… các sinh viên Việt Nam tại Học Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân Obninsk đang tiếp tục nỗ lực hết sức mình để trước hết là hoàn thành khóa học, sau này có thể ứng dụng một cách phù hợp, thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Đó cũng là lời chúc tốt đẹp mà các thầy cô, ban lãnh đạo Nhà trường cùng nhiều nhà khoa học, chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân Nga dành cho các bạn trẻ Việt Nam và đất nước Việt Nam trong một ngày rất ý nghĩa này./.