Khai thác năng lượng nguyên tử phục vụ đời sống ở Việt Nam hiện vẫn là một ngành khá mới mẻ và Việt Nam sẽ chính thức xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.

Một trong 2 nhà máy này sẽ sử dụng công nghệ của Nga. Để khai thác tốt và sử dụng an toàn một nhà máy điện hạt nhân thì yếu tố con người là rất quan trọng, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực.

nt_1_ioyq.jpg
Thầy trò Học viện Năng lượng Nguyên tử Nga trao đổi về quá trình học tập của sinh viên Việt Nam.

Để phục vụ cho việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận,Việt Nam sẽ cần vài nghìn người với trình độ chuyên môn khác nhau. Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học là hơn 800 người, cao đẳng nghề hơn 900 người và gần 400 lao động phổ thông.

Chính bởi vậy mà hiện nay, số sinh viên Việt Nam đang được đào tạo tại Nga trong lĩnh vực này là khá nhiều. Từ cách đây 5 năm, Học viện Hạt nhân Obninsk khởi động dự án đào tạo chuyên gia Việt Nam làm việc tại nhà máy do Nga xây dựng.

Đến nay, con số học viên đã lên đến khoảng 2.000 với 5 khóa hóa học chính thức và 1 khóa dự bị đang diễn ra. Trong số đó, 28 học viên khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp vào năm 2017 tới.

Được cử sang Nga du học, các sinh viên Việt Nam đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc nắm vững trình độ, kỹ năng vận hành nhà máy điện hạt nhân sau này, bởi vậy, dù có nguyện vọng hay được phân công vào học ngành này… các em đều có ý thức trách nhiệm rất tốt trong học tập, trau dồi bản thân.

Sinh viên năm thứ nhất Vũ Văn Kiên giới thiệu về điều kiện học tập ở Học viện.

Nhận xét về các sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo của Nga, ông Vladimir Kondakov, Phó Giám đốc Học viện Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia cho biết: “Trên thực tế, khả năng học tập của sinh viên Việt Nam ở chỗ chúng tôi là rất cao. Các em học rất tốt và công tác đào tạo cũng rất tốt. Dù ở năm thứ nhất có nảy sinh vấn đề về ngôn ngữ, nhưng các em rất nhanh chóng khắc phục và nói chung là đến năm thứ ba thì các em đều bắt nhịp tốt”.

Việc tạo điều kiện học tập cũng như quan tâm giúp đỡ sinh viên Việt Nam tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong quá trình học tập rất được quan tâm và sinh viên Việt Nam đang theo học tại Học viện Năng lượng hạt nhân Nga rất yên tâm về điều này.

Em Vũ Văn Kiên, sinh viên năm thứ Nhất của Học viện MEPHI, là người được cử sang học tập theo Dự án liên Chính phủ về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ký năm 2010.

Em Kiên cho biết: “Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thì MEPHI, ngôi trường em đang học tập là một trường đứng đầu không chỉ của Nga mà còn trên toàn thế giới. Do vậy, việc được học tập tại đây đối với em là một niềm tự hào”.

Cũng theo Kiên, nhà trường tạo cho các sinh viên Việt Nam nói riêng và các nước khác nói chung những điều kiện tốt nhất để học tập. Các em nhận được những sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ Ban lãnh đạo nhà trường và cả các thầy, cô cùng bạn học từ nhiều nước khác nhau.

Các sinh viên Việt Nam theo học ngành năng lượng hạt nhân tại Nga.

Những cơ hội giao lưu, cọ sát để nâng cao trình độ tiếng Nga được tổ chức thường xuyên… Và những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu đối với các em đều qua đi rất nhanh để tất cả yên tâm với việc tiếp tục học cho thật tốt.

Kiên cũng muốn nhắn gửi tới những bạn bè cùng trang lứa là nếu các bạn yêu thích môn vật lý, ngành học về năng lượng nguyên tử thì “du học Nga là một sự lựa chọn không tồi”.

Còn em Huỳnh Thị Minh Châu, quê ở Ninh Thuận, nơi sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trong tương lai, cũng rất thích thú và tâm huyết với ngành học mà em được cử đi đào tạo: “Em cảm thấy rất tự hào vì quê mình sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam và cháu càng cảm thấy mình phải có trách nhiệm to lớn đối với đất nước, với quê hương và với gia đình nên càng phải cố gắng học tập. Sự nỗ lực nào thì sau này cũng sẽ được kết quả tốt hơn”.

Trước những e ngại của không ít người về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân, các bạn trẻ Việt Nam rất chú trọng về yếu tố này trong quá trình học hỏi, thậm chí chủ động tìm hiểu ngay từ thời gian đầu.

Em Nguyễn Nghĩa An, quê ở Hội An, Quảng Nam đang học năm thứ hai nói: “Cháu đã tìm tòi một số tài liệu để tìm hiểu về các loại lò phản ứng hạt nhân thì điểm nổi bật của nó là công nghệ, cách bố trí kiểm soát an toàn cho lò phản ứng hạt nhân, loại cho nhà máy Ninh Thuận 1.

Nếu chúng ta có một đội ngũ kỹ sư có đào tạo chuyên sâu, cũng như có sự tính toán về ảnh hưởng của thiên nhiên, về địa hình dưới lòng đất… tính toán tất cả những điều kiện rủi ro cùng với đội kỹ sư vận hành tốt thì mức độ an toàn là rất cao”.

Tất cả sinh viên theo học tại Học viện Năng lượng Nga đều trải qua chương trình đào tạo chuyên ngành mang tên “Nhà máy điện hạt nhân: thiết kế, vận hành và kỹ thuật”. Mọi sinh viên đều có hai đợt thực tập ở các nhà máy điện hạt nhân trên nước Nga đó là 2 tuần với sau năm thứ tư và 4 tuần sau khi kết thúc năm thứ 5.

Hoạt động ngoại khóa cũng được tổ chức cho sinh viên nước ngoài tại Học viện.

Đối với sinh viên Việt Nam thì nơi đến thực tập sẽ là những nhà máy điện hạt nhân sử dụng thiết kế sẽ được xây dựng ở Việt Nam. Nhóm sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Học viện này sẽ tốt nghiệp vào năm 2017. Và trong những năm tới, số sinh viên Việt Nam được cử sang đây học tập sẽ còn tiếp tục tăng lên, đáp ứng kịp thời và đầy đủ cho các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở Việt Nam nay mai./.