Theo New York Times, Propeller Group gồm 3 thành viên, Phù Nam, 41 tuổi, Tuấn Andrew Nguyễn 40 tuổi đều sinh ra ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) và Matt Lucero, 40 tuổi, sinh ra ở Nam California. Cả 3 nghệ sĩ đều ra đời trong thời điểm Chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc.

propeller_sray.jpg
Các thành viên của Propeller Group. Ảnh do nhóm cung cấp cho New York Times

Bố của Lucero là thợ máy kiêm xạ thủ súng máy trên trực thăng của quân đội Mỹ có mặt trong chiến tranh Việt Nam thời điểm Tết Mậu Thân 1968.

Bố của Phù Nam là một người quay phim cho phóng viên thường trú kênh CBS News Morley Safer. Ông đã đưa gia đình rời khỏi Việt Nam ngay khi cuộc chiến kết thúc. Gia đình Tuấn Andrew Nguyễn rời Việt Nam vào năm 1978 và định cư tại Oklahoma.

Gần 30 năm sau, nhóm Propeller mới được thành lập khi Phù Nam và Tuấn Andrew Nguyễn quay trở lại Việt Nam và thành lập một nhóm làm phim. Tác phẩm đầu tiên của họ mang tên “Những người nông dân và những chiếc trực thăng” là sự hợp tác với nghệ sĩ Đinh Q.Lê vào năm 2006.

Tác phẩm này kể về một người nông dân và một thợ máy bị ám ảnh với những chiếc trực thăng sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc nên đã quyết định chế tạo một chiếc trực thăng từ những nông cụ sản xuất hàng ngày.

Sau đó, Matt Lucero, người cùng học tại Viện Nghệ thuật California cùng với Tuấn Andrew Nguyễn, đã đến Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc cùng hai nghệ sĩ gốc Việt và quyết định ở lại đây.

Cả 3 nghệ sĩ sau đó được mời trình diễn tại triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale 2015. Tác phẩm của họ cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu hai khẩu súng trường, một của Liên Xô và một của Mỹ chĩa vào nhau và cùng lúc khai hỏa vào một khối gelatin chắn giữa khai khẩu súng này tượng trưng cho da thịt con người.

Súng AK-47 đối đầu súng M-16

Cảm hứng cho tác phẩm của họ là một câu chuyện, hay nói đúng hơn là một câu chuyện truyền miệng về hai viên đạn được hai phe tham chiến trong Nội chiến Mỹ bắn về phía nhau và được tìm thấy trong tình trạng dính chặt với nhau. Trên thực tế, điều này cực kỳ khó xảy ra và nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn chia sẻ: “Chúng tôi đều cho rằng đó là một điều kỳ diệu”.

“Chúng tôi nghĩ rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta áp dụng khoảnh khắc này cho những khẩu súng được chế tạp từ thời Chiến tranh Lạnh. Điều gì sẽ xảy ra và nó sẽ có ý nghĩa như thế nào”, nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn nói thêm.

Kết quả của suy nghĩ này là tác phẩm “AK-47 đối đầu M16” được hình thành nhờ sự giúp đỡ của nhóm Grand Arts tại thành phố Kansas bang Missouri. Tác phẩm này hiện được treo ở phòng phía sau Gallery James Cohan.

"AK-47 đối đầu M16” là đoạn video quay chậm với tốc độ lên đến 20.000 khung hình/giây mô tả khoảnh khắc hai viên đạn chạm vào nhau và nhìn như thể chúng được chụp khi vượt qua bức tường âm thanh.

Trong khi đó, bức tượng điêu khắc ở chính giữa căn phòng là một khối gel bao bọc quanh các mẩu đạn. Tuy nhiên, do các viên đạn thời nay bay nhanh hơn rất nhiều so với các viên đạn từ những năm 1860 [thời điểm của Nội chiến Mỹ diễn ra-ND] việc chúng có thể dính vào nhau sau khi va chạm là rất khó khăn. Thường chúng sẽ bắn văng ra.

Căn phòng phía trước Gallery James Cohan lại chiếu đoạn phim dài 21 phút mang tên “The Living Need Light, the Dead Need Music” (Sống dầu đèn, chết kèn trống) được thực hiện vào thời điểm kết thúc một đám tang ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Một hình ảnh trong phim “The Living Need Light, the Dead Need Music” của nhóm. Ảnh lấy từ Youtube

Tang lễ tại đây thường kéo dài nhiều ngày với sự huyên náo của phường bát âm và các nghệ sĩ đường phố trình diễn những tiết mục như thôi miên rắn, nuốt kiếm, thở ra lửa và những màn múa của các nghệ sĩ chuyển giới. Tất cả đều xuất hiện trong bộ phim này.

Những hình ảnh đầy ma mị, kỳ quái và huyền ảo trong đoạn video nói trên đề cập đến sự chuyển tiếp giữa sống và chết, huyền thoại và tái sinh, thiên thần và ác quỷ và cả cuộc chiến trong tâm hồn mỗi con người.

Bản thân đoạn video cũng là sự chuyển tiếp dang dở từ cảnh một tang lễ trên đường phố đến quang cảnh mang tính siêu thực trong đó, những người dự lễ tang đi qua những đầm lầy, qua một bãi biển và đi xuống nước.

Bên cạnh những nhạc cụ truyền thống của một tang lễ, phường bát âm trong đoạn phim này còn mang theo cả trống và kèn sừng với âm thanh được thay đổi một cách rất bất thường.

Sam, vũ công chuyển giới tham gia tang lễ, sau đó lại xuất hiện giữa những rặng cây. Khuôn mặt cô được che kín sau một chiếc hộp sọ của một con trâu nước.

Video ngắn giới thiệu phim 

“The Living Need Light, the Dead Need Music” 

Được sáng tác cho Festival Nghệ thuật Prospect New Orleans, đoạn video này đã gây ra sự chú ý đặc biệt cho một thành phố vốn rất nổi tiếng với phong cảnh sông nước, các lễ diễu hành âm nhạc và cả nhiều nghi lễ đặc sắc. Đọan phim này cũng thể hiện điểm nhấn về sự hài hòa trong cuộc sống của một thành phố ở cửa sông Mississippi và cuộc sống ở cửa sông Mekong cách đó hơn 15.000km.

“Tôi nghĩ rằng đó là một tác phẩm hoàn hảo để triển lãm tại New Orleans”, nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn nói: “Chúng tôi nhận thấy một điều gì đó, dù không rõ là gì, phải chăng là sự chồng lấp về văn hóa? Đó là một sự tiếp diễn rất kỳ lạ mà chúng tôi muốn khai thác. Chính vì thế, chúng tôi đã quay lại cảnh những đám tang và nó đã trở thành đoạn video này”./.