Chú thích ảnh |
Viết lách giỏi
Nguyễn Hữu Cát Thư được biết đến như một trong số những kỹ sư trẻ tài hoa của Việt Nam. Mới 26 tuổi, nhưng cô đã nắm giữ 2 bằng sáng chế tại Mỹ. Song nếu được hỏi về các sáng chế, Thư lại nói về viết lách. Mỗi ngày, cô viết 200 từ sáng tác truyện giả tưởng. Thói quen có vẻ không liên quan ấy lại là cách nhanh nhất giúp Thư mở bung sức sáng tạo dẫn dắt tới mọi thành quả sau này.
Viết lách giỏi giúp Thư có những bài luận giàu cá tính, giúp cô giành lấy học bổng toàn phần của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 2008. Sau đó, cũng nhờ viết, Thư có thêm nhiều ý tưởng cho 3 phát minh độc đáo: cải tiến máy sấy năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, van ngắt nước tự động và ghế ngồi sửa tư thế.
Sau khi tốt nghiệp (2012), Thư còn là một trong hai sinh viên xuất sắc nhất được giữ lại tham gia điều hành lò nghiên cứu hạt nhân tại MIT, lò hạt nhân lớn thứ hai của Mỹ. Gần đây nhất, cô đã chọn quay về Việt Nam để khởi nghiệp với Mindstep. Đây là mô hình giảng dạy phát triển sáng tạo ở 3 mảng: thiết kế website, nghiên cứu trải nghiệm người dùng và tư duy thiết kế.
Gặp Cát Thư ở ngoài đời, cô kỹ sư trẻ này trông khá sành điệu với áo choàng, túi xách và đôi giày cùng tông màu đỏ. Nhưng bên trong, Thư lại khá trầm và thẳng tính. Viết rất nhiều, nhưng cô lại không giỏi nói về bản thân. “Viết để tạo ra cái mới, chứ mình không biết gì để nói về mình cả”, cô nói.
Bài học từ những sáng chế
Đam mê viết của Thư đến vào năm lớp ba, từ những lần bị cuốn vào tác phẩm khoa học viễn tưởng của Asimov và Terry Pratchett. Khác với lối viết lấy nhân vật làm chủ điểm, Thư chọn viết theo ý tưởng. Nhân vật chỉ là điểm xuyến phụ cùng cô khám phá một ý tưởng khoa học ẩn bên dưới. Từ đó, Thư đã tích lũy rất nhiều hành trình sáng tạo nằm trên giấy. Nhưng càng viết nhiều, cô lại càng thực tế hơn lãng mạn văn chương. “Viết là đam mê, nhưng tôi chọn kỹ thuật cơ khí để đưa những sáng tạo của mình vào hiện thực”, Thư cho biết.
Bài luận mô tả vườn nho ở vùng quê Ninh Thuận là ví dụ nêu bật khả năng viết lách sáng tạo của Thư. Với đề bài yêu cầu tả quê hương để khắc họa tính cách bản thân, cô lại tập trung miêu tả ông ngoại mình với những khó khăn quanh vườn nho, giữa lúc Ninh Thuận đang đi vào công nghiệp hóa. Kết quả, Thư tạo ra khác biệt để giành lấy học bổng toàn phần Kỹ sư Cơ khí của MIT, học viện công nghệ danh giá hàng đầu của Mỹ. Trong quá trình học, Thư lại chọn thêm môn Phát triển Quốc tế để đi thực tế tại một quốc gia đang phát triển. “Do không có Việt Nam trong danh sách, nên mình đã chọn một nơi tương tự như nông thôn nước mình. Ðó là một ngôi làng trên dãy Himalaya ở Ấn Độ,” cô nhớ lại.
Nhiệm vụ của Thư trong 2 tháng sống tại làng là tìm cách cải tiến đời sống người dân. Làng sống chủ yếu bằng nghề nhuộm vải lấy màu từ hoa trái trong rừng. Các khâu đều làm thủ công: hoa quả được ngâm lấy màu nhuộm, rồi sấy khô dự trữ lương thực. Ngay cả khâu có đi kèm kỹ thuật hiện đại nhất là một chiếc máy sấy năng lượng mặt trời, nhưng vẫn ngốn rất nhiều lao động. Mỗi máy có khoảng 4-5 khay đặt hoa quả, nhưng các khay bên dưới hong khô trái kém hơn khay trên cùng.
Nhận thấy dân làng tốn thời gian ngồi canh đổi khay lên trên, Thư ngồi mày mò thay đổi hệ thống tản nhiệt. Sau 4 tháng nghiên cứu tại MIT và 2 tháng thực nghiệm tại làng, hệ thống mới đưa luồng nhiệt qua các mặt khay đồng đều, giảm thời gian sấy xuống 5 lần. Giá máy cũng giảm gấp đôi từ 4.000 USD xuống 2.000 USD, vì vật liệu sắt thép đã được giản lược để máy nhỏ gọn hơn. Trước khi quay về Mỹ, Thư còn hướng dẫn người dân tự tạo thêm 5 dàn máy khác rải quanh vùng.
Cải tiến máy năng lượng mặt trời là thành công mỹ mãn, nhưng để lại trong Thư không nhiều bài học so với 2 bằng sáng chế còn lại là van ngắt nước tự động và ghế thông minh. Cả hai sáng chế sau tuy được công nhận về ý tưởng, nhưng tính thương mại đều chưa cao.
Năm 2011, van ngắt nước tự động được Thư dự định gắn vào vòi nước ở các nhà hàng lớn. Nhưng do nhà hàng luôn thừa nhân công ngồi rửa bát tiện thể canh nước, nên tính ứng dụng của máy trở nên thừa tại thời điểm đó.
Một năm sau đó, Thư cùng bạn lập ra Công ty Element Design để thương mại hóa Smart Chair, chiếc ghế tự động nhắc nhở người dùng điều chỉnh mỗi khi ngồi sai tư thế. Một lần nữa, người dùng lại cảm thấy phiền toái vì bị ghế nhắc nhiều lần. “Cả hai sản phẩm đều chỉ ra lỗi trong quá trình nghiên cứu thị trường. Tuy đã tìm hiểu rất kỹ, nhưng chúng tôi thiếu phân tích trải nghiệm của người dùng”, cô nói về việc đành phải ngừng kinh doanh Element Design thời gian gần đây.
Là dân kỹ thuật, nhưng Thư dần nghiệm ra khái niệm “tư duy thiết kế” như người chuyên làm tiếp thị. “Mọi sáng chế đều phải lấy người dùng làm trọng tâm nếu muốn đưa vào đời sống“, cô khẳng định.
Hai năm sau khi tốt nghiệp, Thư tạm dừng chế tạo để tập trung học hỏi nhiều hơn về lò nghiên cứu hạt nhân của MIT. Cô cũng ngầm tìm hiểu thị trường Việt Nam để tìm cơ hội.
Đổi mới tư duy công nghệ Việt
“Làm kỹ thuật nhưng thiếu tư duy hình dung trải nghiệm của người dùng” là nhận xét chung của các công ty công nghệ về đội ngũ nhân lực của họ, khi Thư tiếp cận tìm hiểu. Ví dụ như tạo một website bán hoa, nhân viên kỹ thuật thường cóp nhặt lại định dạng của các trang khác mà thiếu nghiên cứu trải nghiệm của chính người dùng.
“Nếu khách hàng là nam, nhân viên thiết kế cần điều tra kỹ thói quen và lý do mua hoa của họ. Phần đông nam giới không hiểu và chú ý đến loại hoa. Họ mua hoa chủ yếu vì mục đích. Như vậy, website nên được đa dạng về mục đích mua hoa như tặng người yêu, tăng cha mẹ, sinh nhật...”, Thư phân tích thêm.
Thiếu cân nhắc về trải nghiệm người dùng cũng là sai lầm Thư từng trải qua, nên cô quyết định tìm tòi phát triển một giáo trình riêng để cải tiến nhân lực công nghệ ở Việt Nam.
Cuối năm 2014, Thư quyết định thôi công việc hấp dẫn ở MIT để trở về Việt Nam. Từ đầu năm 2015 đến nay, cô toàn tâm xây dựng Mindstep thành một ngôi trường đào tạo nhân lực công nghệ mới, tích hợp kiến thức phát triển sản phẩm và tiếp thị.
Mindstep dự định sẽ bắt đầu hoạt động vào năm sau với ba khóa học chính: Nghiên cứu trải nghiệm người dùng, Phát triển website và Tư duy thiết Kế. Độc đáo nhất, học viên có thể tự đem sản phẩm sáng chế đến lớp để cùng giáo viên cải tiến thêm tính thương mại của sản phẩm. Sau khi kết thúc khóa học tại đây, học viên Mindstep được kỳ vọng sẽ có thể đáp ứng vị trí kỹ thuật chủ đạo trong các công ty khởi nghiệp công nghệ hiện nay.
Dù bận rộn với Mindstep nhưng mỗi ngày, Nguyễn Hữu Cát Thư vẫn viết 200 từ để kích thích sáng tạo. Bí quyết của cô còn đến từ một bí kíp thú vị. “Trong máy tính, tôi tự tạo một website lưu trữ hình ảnh và châm ngôn về vũ trụ. Khi gặp khó khăn, tôi lại mở trang đó lên để nhìn hình vũ trụ hoặc câu nói nào đấy. Như câu trái đất to lớn này chỉ là chấm nhỏ giữa thiên hà. Lúc ấy, vấn đề của tôi sẽ chẳng còn là gì cả.” Sau đó, Thư lại tiếp tục quay lại làm việc hăng say./.