Khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là thời gian Bác ở Pháp, độc giả ở Việt Nam và trên thế giới đều tìm đến cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc ở Paris, 1917-1923” của Tiến sỹ sử học Thu Trang, Việt kiều Pháp. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản thông tin lý luận của Việt Nam xuất bản ở Hà Nội từ năm 1989. Cuốn sách tập hợp nhiều tài liệu quý và một số nhân chứng lịch sử, giới thiệu một cách trung thực và thuyết phục về quãng đời hoạt động của Bác ở Pháp. Đối với bà Thu Trang, việc tìm hiểu và viết sách về Bác Hồ không hẳn là một sự tình cờ.

Bà Thu Trang cho biết: "Những năm 1966-1975, ở Việt Nam đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ ở trong nước. Tại Pháp, nhân dân Pháp cũng sôi sục tinh thần bảo vệ Việt Nam. Từ đó trong tôi hình thành suy nghĩ là phải viết về Nguyễn Ái Quốc- người lãnh tụ đã đưa tư tưởng tiến bộ, bất khuất, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Một lợi thế nữa là Bác đã từng hoạt động ở thành phố Paris (Pháp)".

Vào thời điểm đó, công việc viết sách về Nguyễn Ái Quốc không dễ dàng vì có rất ít tài liệu viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Bác ở Pháp. Bà Thu Trang đã phải tìm tới Bộ thuộc địa của Pháp để tìm tài liệu tham khảo. Khó khăn không ít, nhưng thuận lợi cũng nhiều.

ba_thu_trang_02.JPG

Tiến sỹ sử học Thu Trang

Bà Thu Trang nhớ lại, lúc đó, nhân dân tiến bộ Pháp và cả Việt kiều, ai đấy cũng đều đồng tâm hướng về Việt Nam. Khi tôi vào Bộ thuộc địa tìm tài liệu về Bác Hồ, tôi gặp một người Việt Nam và được người đó giúp đỡ rất nhiều trong việc tìm tài liệu.

Trên nền cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc ở Paris” bằng tiếng Việt, bà Thu Trang cùng chồng là GS. Marcel Gaspard đã viết một cuốn sách bằng tiếng Pháp với tiêu đề tương tự và đã được nhà xuất bản danh tiếng của Pháp L’Harmattan in năm 1992.

Cũng như cuốn sách bằng tiếng Việt, phiên bản tiếng Pháp đã được độc giả quốc tế đón nhận tích cực. Cuốn sách đã được tái bản lần thứ hai và luôn là một tài liệu tham khảo của các nhà sử học khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều nhà nghiên cứu sử học Việt Nam mỗi khi tới Paris, thường tìm gặp bà Thu Trang để nói chuyện, trao đổi. Bà Thu Trang tâm sự, mỗi lần các vị trí thức, nhà nghiên cứu sử đến Paris, tôi tình nguyện dẫn họ đi xem những nơi Bác Hồ đã từng sống và học tập. Trong thời gian ở Pháp, lúc đầu Bác ở đường Gobelins, sau này Bác làm thợ ảnh ở ngõ Compoint, sau nữa thì Bác ở Montreuil. Hiện nay ở Montreuil vẫn có một bảo tàng có trưng bày về Bác và một tượng của Bác ở công viên.

Không chỉ là một nhà sử học có tiếng, bà Thu Trang còn là một nhà thơ. Với tập thơ “Nói sao cho vợi”, bà Thu Trang đã được vinh danh là một trong 100 nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ XX. Bài thơ “Nói sao cho vợi” được bà viết năm 1969, thể hiện tình cảm sâu sắc của kiều bào đối với quê hương đất nước.

Năm nay đã bước sang tuổi 78, nhưng bà Thu Trang vẫn miệt mài với những hoạt động hướng về quê hương đất nước. Bà khoe rằng, ra Giêng, bà sẽ về Việt Nam theo lời mời của Viện sử học để trao đổi về thời gian hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp./.