“Ngày tui mới tập tễnh vào nghề, cái làng biển ni vẫn chưa khá giả được bao nhiêu, do tàu thuyền công suất nhỏ, chỉ hoạt động quanh quẩn gần bờ, sản lượng đánh bắt thấp. Khi tui vay ngân hàng bạc tỷ để đóng tàu, có người cho vợ chồng tui là “liều” vì nghề đi biển ngày càng gặp nhiều rủi ro. Nhưng thấy tui thành công, nhiều người trong xã đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để đóng tàu công suất lớn, bám biển dài ngày, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm…”

Sau cái chạm cốc, vừa nhấp ngụm rượu đế cay nồng, ngư dân Nguyễn Thành Ngọc, Giám đốc Doanh nghiệp Đánh bắt Hải sản Tổng hợp Ngọc Phương vừa kể cho tôi nghe chuyện “khởi nghiệp” của mình…

Ước mơ vươn khơi

Nguyễn Thành Ngọc đưa tôi lên 2 chiếc tàu cá của anh đang đậu ở khúc sông dưới chân cầu Nhật Lệ. Từ trên đó, phóng tầm mắt ra xa, có thể cảm nhận được sự đổi thay đến diệu kỳ của làng biển. Sau một chuyến ra khơi thắng lợi, tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân Bảo Ninh đậu kín cả một khúc sông. Thấy tôi cứ hết lời xuýt xoa 2 chiếc tàu đánh cá lớn chưa từng thấy, không giấu được niềm vui, Ngọc chia sẻ: “Hai chiếc tàu cá ni của tui chừng gần 900CV, khoảng trên 6 tỷ đồng. Tài sản của vợ chồng tui đó sau 3 năm “khởi nghiệp”.  Mới ngoài 40, chỉ sau mấy năm ngắn ngủi mà đã có trong tay khối tài sản bạc tỷ, xưa nay những người đi biển ở vùng quê này chưa từng dám mơ.

Sinh năm 1970 trong một gia đình có nhiều đời đi biển ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Khi còn là một cậu bé đang học cấp 2, thường được nghe chuyện của mấy lão ngư lớn tuổi và cha mình sau những chuyến ra khơi trở về, chia sẻ với nhau về những ngư trường giàu có ở hai vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do cả thiên tai và “nhân tai” gây ra, Ngọc đã từng ước mơ lớn lên sẽ được tự mình lái những chiếc tàu cá có công suất lớn, vươn ra tận những vùng biển xa xôi này để đánh bắt hải sản.

Cưới vợ xong, năm 1997, dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp được, cùng với 120 triệu đồng vay từ ngân hàng, Nguyễn Thành Ngọc đóng một chiếc tàu cá có công suất 45CV, thuê 7 ngư dân tiến ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt hải sản. Nhận thấy trữ lượng cá nục đuôi đỏ, cá ngừ, cá thu…và mực ở vùng biển này rất giàu có, trong Ngọc đã ấp ủ bao nhiêu dự định…Năm 2009, nghỉ liền mấy chuyến biển, Ngọc “cơm đùm gạo bới” vào Bình Định để “tầm sư học đạo”, học kỹ thuật đánh cá bằng lưới vây rút đêm. Trở về, Ngọc bàn với vợ mượn 7 cái sổ đỏ của anh em, bà con trong gia đình, thế chấp, vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng, cộng với 700 triệu tích lũy được, đầu tư đóng mới một chiếc tàu cá có công suất 420CV, lớn nhất nhì ở Quảng Bình lúc đó. Thấy Ngọc “đổ” một số tiền quá lớn vào đầu tư tàu đúng vào năm nghề đi biển gặp vô vàn khó khăn do giá dầu lên cao, nhiều người cho vợ chồng anh là “liều”, là “không bình thường”, trước sau gì cũng phải bán tàu vì lỗ…

Mặc mọi người nói, Ngọc trang bị 70 quả bóng siêu cao áp, đầu tư máy định vị, dùng loại lưới vây đánh bắt được ở độ sâu 180m (tàu của ngư dân thường có khoảng 30 – 40 quả bóng, lưới vây hoạt động ở độ sâu 100m), đủ sức đánh bắt dài ngày ở nhiều ngư trường lớn, có trữ lượng hải sản giàu có. Nhờ vậy, mỗi tháng 3 lần, gần như tất các chuyến biển ra khơi đều thắng lợi. Chỉ trong 6 tháng năm 2010, vợ chồng Nguyễn Thành Ngọc đã trả xong 1,5 tỷ tiền nợ ngân hàng, cuối năm, trừ mọi chi phí, còn tích lũy được 1,5 tỷ đồng. 20 lao động của tàu, được anh trả gần 100 triệu đồng/người/năm.          

Dám nghĩ, dám làm     

Chưa dừng lại ở những thành công ban đầu, năm 2011, Nguyễn Thành Ngọc quyết định đầu tư 3,7 tỷ đồng đóng thêm một chiếc tàu cá dài 20m, rộng 6,2m, có công suất 450CV.

“Tàu ni tui quyết tâm lắp 100 quả bóng siêu cao áp để đánh bắt bằng lưới vây”. Ngọc kể về chiếc tàu cá thứ hai của mình. Có thêm tàu mới, vợ chồng Ngọc quyết định làm thủ tục thành lập Doanh nghiệp Đánh bắt Hải sản Tổng hợp Ngọc Phương, một trong những doanh nghiệp chuyên về đánh bắt hải sản đầu tiên ở Bảo Ninh, với 40 lao động. Hai tàu cá, một chiếc do anh và một chiếc do người con trai đầu của anh làm thuyền trưởng.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù mất mùa biển, nhưng trong 12 chuyến ra khơi, 2 chiếc tàu của Nguyễn Thành Ngọc vẫn đánh bắt được trên 200 tấn hải sản, thu về trên 1,3 tỷ đồng…         

Từ ngày cái thằng “liều mạng” Nguyễn Thành Ngọc vay vốn ngân hàng đóng tàu to, làm ăn có lãi, ngư dân tụi tui mới “sáng mắt ra”, mới dám đóng thêm nhiều tàu công suất lớn để đi biển. Bây chừ, đội tàu của Bảo Ninh là nhất nhì ở Quảng Bình đó!”- Những ngư dân ở Bảo Ninh vừa hết lợi khen ngợi “công to” của Nguyễn Thành Ngọc, vừa tự hào “khoe” về đội tàu đánh cá hùng hậu của làng biển mình như vậy.

Học theo cách làm táo bạo của Nguyễn Thành Ngọc, nhiều ngư dân ở Bảo Ninh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư đóng tàu công suất lớn có thể đi biển dài ngày, như gia đình ông Nguyễn Văn Phong ở Sa Động, ông Nguyễn Công Hoan, Võ Thừa ở Mỹ Cảnh, Trương Thanh ở Hà Thôn…Hiện nay toàn xã có đội tàu đánh cá 413 chiếc với tổng công suất gần 40.000CV, trong đó có 143 tàu từ 90CV trở lên thường xuyên tham gia nghề vây khơi, câu khơi cho năng suất và thu nhập cao. Từ năm 2009 đến nay, ngư dân toàn xã đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư mua sắm các loại trang thiết bị hiện đại trên các tàu cá, như máy đinh vị vệ tinh, máy thăm dò cá, máy thông tin liên lạc tầm xa, các loại lưới hiện đại có thể khai thác cá ở độ sâu trên 100m; riêng năm 2011 đã đầu tư 40 tỷ đồng, đóng mới thêm 9 tàu cá có công suất mỗi chiếc trên 400CV…Hầu hết, tàu cá công suất lớn của người Bảo Ninh đều tham gia đánh bắt hải sản ở các ngư trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hiện nay toàn xã Bảo Ninh có 47 tổ đoàn kết, 2 tổ hợp tác thu hút gần 2.000 lao động hoạt động trên  gần 400 tàu, thuyền. Khi tham gia các tổ đoàn kết, ngư dân Bải Ninh có điều kiện thông báo, hỗ trợ, giúp đỡ nhau đối phó với với những rủi ro khi tình hình thời tiết trên biển có nhiều diễn biến phức tạp. Nhờ đầu tư mua sắm nhiều tàu thuyền hiện đại, có khả năng đánh bắt được những ngư trường xa, nhiều tiềm năng, hàng năm, sản lượng, doanh thu từ nghề đi biển ở Bảo Ninh đã không ngừng tăng nhanh. Nếu như năm 2009, toàn xã mới khai thác được trên 4.000 tấn hải sản, doanh thu trên 40 tỷ đồng, thì đến năm 2011, tổng sản lượng khai thác đạt gần 6.000 tấn, tổng doanh thu từ khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 191 tỷ đồng…Từ đầu năm đến nay, mặc dù được đánh giá là mất mùa biển, nhưng sản lượng đánh bắt hải sản của ngư dân Bảo Ninh vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái với trên 2.300 tấn…

Từ ngoài xa nhìn vào, bán đảo Bảo Ninh như một doi cát nhỏ nhoi, mỏng manh nhô ra phía biển. Những ngư dân của làng chài nhỏ bé đó nuôi trong mình quyết tâm vươn khơi bám biển để thỏa khát vọng làm giàu, và ngư dân Phạm Thành Ngọc là một người như thế!