Vào thời gian này năm ngoái, Chi Hội Người Việt Nam tại thành phố Irkutsk, Liên bang Nga, được thành lập. Trên thực tế, tại thành phố nhỏ nằm gần Hồ Baikal nổi tiếng này đã có hoạt động theo hình thức tổ chức hội này từ lâu nay và người “nhạc trưởng” của cả một tập thể những người Việt xa xứ sinh sống tại thành phố này là ông Nguyễn Quang Dương.
Ông Nguyễn Quang Dương, Chủ tịch Chi hội Người Việt tại Irkutsk. |
Ông Nguyễn Quang Dương từng sống và học tập, rồi trụ lại sinh sống ở Irkutsk đã ngót 30 năm. Nhân một chuyến công tác tới đây, phóng viên VOV đã có dịp gặp gỡ và phỏng vấn ông về đời sống của bà con người Việt cũng như công tác cộng đồng mà ông đang đảm nhiệm.
PV VOV: Ông đã có khá nhiều thời gian “trăn trở”, tâm huyết với các công việc chăm lo cho bà con cộng đồng Việt Nam tại Irkutsk. Ông có thể nói gì về hoạt động của Chi hội mà ông tâm đắc?
Ông Nguyễn Quang Dương: Chi hội Người Việt Nam tại thành phố Irkutsk thuộc Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga.
Phải nói rằng, Chi hội của chúng tôi là chi hội nhỏ và ở một vùng đất xa xôi, thuộc vùng Siberia, thời tiết rất khắc nghiệt, rất lạnh, với một lượng người Việt Nam không lớn, lúc nào cũng chỉ khoảng 500-600 người thôi nhưng luôn biết gắn kết lại với nhau. Tôi cho rằng, đây là một đặc thù mà không phải cộng đồng nào cũng có được.
Ở đây, chúng tôi gắn kết cả cộng đồng trong một tổ chức Hội như một gia đình lớn. Khó khăn, hoạn nạn chúng tôi đều chung tay giải quyết, giúp đỡ nhau. Đó là một đặc thù mà tôi rất tâm đắc.
Tất cả anh em chúng tôi làm hoạt động này trước hết đều xác định rõ, đây là một tổ chức phi lợi nhuận nên ai tham gia Ban chấp hành phải biết làm việc vì cộng đồng, phải biết hy sinh. Chúng tôi làm việc với tinh thần tất cả vì bà con, tất cả vì cộng đồng. Chúng tôi làm là để gắn kết những người con xa xứ. Đoàn kết nội bộ là yếu tố để tồn tại tốt nhất của người Việt Nam.
Đại hội thành lập chi hội người Việt Nam tại Irkutsk. |
PV VOV: Hiện nay, tình hình kinh tế ở nước Nga nói chung và ở Irkutsk nói riêng đang ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, cuộc sống của bà con ta. Vậy, Ban chấp hành Hội có hoạt động nào để bà con vơi đi những nỗi khốn khó của mình mà trụ lại và phát triển trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Quang Dương: Bà con ta chủ yếu là những tiểu thương, buôn bán nhỏ nên chịu tác động trực tiếp và rất rõ của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chúng tôi vẫn luôn luôn động viên bà con làm ăn cho tốt, thứ hai là động viên bà con để làm sao có giấy tờ hợp lệ để tồn tại. Bởi vì những người có đủ giấy tờ hợp lệ thì sẽ gặp những thuận lợi trong kinh doanh và không có gì khó khăn cả.
Tuy nhiên, tác động lớn của thị trường đang bị thu hẹp khiến bà con thu nhập kém đi nhiều.
Hoạt động của cộng đồng người Việt ở Irkutsk. |
PV VOV: Mức sống của bà con người Việt tại Irkutsk thế nào, có thể xếp ở vị trí nào trong xã hội và trong phạm vi cộng đồng với nhau?
Ông Nguyễn Quang Dương: Mức sống của bà con ở đây tương đối đồng đều và có một số làm ăn phát đạt, đã mua được nhà, ô tô, lo được cho con cái học hành đầy đủ và nhiều cháu đã học hành thành đạt, giờ đã trở về, công tác ở các cơ quan Việt Nam.
Các cháu hiện đang đi học cũng đạt nhiều thành tích tốt và nhóm các cháu nhỏ cũng là những học sinh của một nước có “tiếng vang” ở vùng này: Các cháu ngoan, học giỏi, nhiều cháu đã đạt những Huy chương Vàng. Đó cũng là những thuận lợi cho bà con ở đây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay thì cuộc sống của bà con khó khăn hơn trước nhiều.
Nhà hàng Bếp Việt Nam, nơi hội tụ của bà con người Việt ở Irkutsk, mang lại cho họ cảm giác như về với gia đình. |
PV VOV: Chính quyền sở tại đánh giá thế nào về cộng đồng bà con ta ở đây?
Ông Nguyễn Quang Dương: Ở đây, người ta không có điều gì chê trách người Việt Nam. Bởi vì bà con ta sống tuân thủ pháp luật, không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự nên nói đến người Việt Nam thì người ta rất quý, rất có thiện cảm.
PV VOV: Được biết là ông ở đây đã khá lâu, ông cũng có rất nhiều người bạn Nga. Liệu có phải vì tình cảm của người Nga đối với người Việt, có phải vì cộng đồng bà con còn ở đây đã níu kéo ông ở lại mà chưa có dự định rời bỏ nơi này khi tuổi đã khá cao?
Ông Nguyễn Quang Dương: Tôi là người đã học tập bên này, sau đó quyết định ở lại làm ăn sinh sống. Tôi là nhà nghiên cứu, tôi cũng muốn tìm hiểu nghiên cứu nhiều hơn về đời sống, về văn hóa của họ. Chính đó là điều níu kéo tôi ở đây, bởi tôi đã quen với văn hóa, nếp sống ở đây.
Thứ hai là tôi đang được sống trong một tập thể cộng đồng bà con gắn bó như một gia đình. Điều đó cũng rất tốt, thuận lợi cho cuộc sống.
Điều quan trọng nhất là tôi rất yêu văn hóa Nga, được sống và tiếp xúc với các tầng lớp người Nga khác nhau, kể cả giới tinh hoa, và tôi biết là họ dành tình cảm rất tốt cho Việt Nam. Có nhiều giáo sư đã từng tham gia giảng dạy ở Việt Nam và nói chung họ rất gắn bó, quý mến người Việt Nam mình. Đó là những điều níu kéo tôi ở bên này.
PV VOV: Xin cảm ơn ông./.