Lập nghiệp từ hai màu trắng và xanh

Mở đầu câu chuyện, ông Mai Xuân Thúy (Hai Thủy) nói như vậy! Để có cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay ông đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và màu xanh của biển. Một năm sau ngày giải phóng miền Nam, ông vào Nha Trang đi bạn  trên tàu cá của một người bà con. Sau mười năm lao động, tích góp được ít tiền ông trở về quê cùng hai người họ hàng hùn vốn đóng chung một con tàu 33CV làm nghề rê chuồn. Việc làm ăn đạt hiệu quả, hai năm sau ông đóng riêng cho mình một con tàu, và những năm tiếp theo trung bình hai năm ông lại có thêm môt con tàu mới…cứ như thế đến nay ông đã sở hữu chín chiếc tàu cá, trị giá mỗi chiếc khoản hai tỷ đồng.

Năm 2011, một tàu cá của ông bị chìm khi đang hoạt động trên biển, sang năm 2012 ông tiến hành đóng mới hai chiếc tàu cá to hơn, hiện đại hơn.

Trong quá trình phát triển sản xuất, ông thường xuyên đổi mới nâng cấp tàu thuyền, từ tàu dài 12 - 13m lên 19 - 20m từ công suất 33 – 90CV lên 300 – 420CV, những tàu nhỏ, cũ ông bán thanh lý, đóng tàu mới lớn hơn để thay thế; Ngư lưới cụ, các trang thiết bị khai thác cũng luôn được đổi mới vì theo ông có tàu lớn và ngư lưới cụ tốt thì khi xuất bến đã cầm chắc 90% thắng lợi trong tay (tất nhiên là trong điều kiện thời tiết tốt). Nguồn nhân lực trên tàu cũng được ông Hai Thủy chú trọng. Những thuyền trưởng trên các tàu cá của ông dày dạn kinh nghiệm, có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, đặc biệt các thuyền viên trên tàu đều được đào tạo nghiệp vụ đi biển và cấp thẻ thuyền viên. Với tư liệu sản xuất được ông chuẩn bị tốt như vậy thì thành công đến với ông không phải là chuyện “gặp thời”.

Ông Hai Thủy chọn nghề lưới rê thu ngừ (lưới cản) để phát triển sản xuất vì theo ông nghề này kỹ thuật đánh bắt đơn giản, sản phẩm khai thác có giá trị kinh tế cao. Một điều nữa khiến ông chọn nghề rê thu ngừ là vì ngư trường và nguồn lợi của nghề này vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.         

Lui về hậu trường nhường cho lớp trẻ

Sau hơn 30 năm bám biển, ông Hai Thủy đã yên tâm lui về hậu phương khi đã truyền nghề cho bốn người con trai và một con rể tiếp tục nghiệp biển. Mỗi sáng thức dậy ông lại ôm chiếc máy đàm thoại tầm xa ICOM để nắm bắt thông tin của đội tàu mình hoạt động trên biển như thế nào. Với kinh nghiệm và thông tin có được từ nhiều kênh khác nhau, ông có thể chỉ đạo các tàu di chuyển ngư trường để khai thác đạt hiệu quả hơn. Vai trò chỉ huy của ông được ghi nhận qua những chuyến biển, sản lượng khai thác tăng dần, cao hơn hẳn các tàu khác cùng nghề. Trong những ngày mưa bão, thông tin qua máy ICOM của ông là chỗ dựa đáng tin cậy của các thuyền trưởng trẻ vượt qua sóng gió.

Sau chuyến biển, các tàu về bến là lúc ông bận rộn hơn. Từ việc bán cá đến việc chuẩn bị cho chuyến biển sau được ông lại xắn tay lo liệu. Quan trọng nhất theo ông Hai Thủy là việc bàn bạc với các thuyền trưởng để chọn ngư trường cho chuyến biển tiếp theo thắng lợi.

Ngư dân tiêu biểu

Đội tàu 9 chiếc của gia đình ông Hai Thủy đã tạo việc làm cho khoảng 120 nam lao động địa phương có thu nhập ổn định, cuối mùa công việc vá lưới cũng  giải quyết lao động nhàn rỗi cho hơn 20 chị em. Xuất thân từ người đi bạn nên ông hiểu và rất quan tâm đến anh em lao động làm việc trên đội tàu. Những trường hợp, hoàn cảnh gia đình khó khăn ông đều sẵn sàng giúp đỡ.

Ông Nguyễn Ngọc Châu, cán bộ phụ trách hải sản xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ cho biết:“Năm ngoái, tàu của ông Hai Thủy bị chìm khi hoạt động trên biển. Khi đó các chủ tàu trong xã và xã bạn Tam Quan (Bình Định) góp tiền ủng hộ ông 15 triệu đồng, ông vui vẻ nhận và sau đó ủng hộ toàn bộ số tiền để tôn tạo lại Lăng Ông ở cửa biển Tam Quan. Đây là việc làm rất nghĩa cử của ông”.

Kể chuyện về biển, về nghề, ông Hai Thủy say mê không dứt. Lẽ sống của người ngư dân này là mỗi sáng thức dậy được ngửi chút gió mang hương vị mặn mòi của biển, chiều về ngắm nhìn những con tàu cập bến mang lộc biển bội thu./.