Đó là căn nhà của Tiến sỹ, bác sỹ Bùi Duy Tâm, một Việt kiều hiện đang sống tại thành phố San Francisco, bang California của Mỹ.

Hồ hởi đón chúng tôi trong bộ áo the, khăn xếp, chân đi hai xảo, tóc búi củ hành, trông bác sỹ Tâm nhanh nhẹn hơn nhiều so với tuổi 80 của mình. Bước chân vào căn nhà xinh xắn nằm ở một ngã tư của thành phố San Francisco, chúng tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp một không gian Việt ở cách nửa vòng trái đất. Mọi đồ đạc trong nhà được bác sỹ Tâm bày biện rất tỷ mỉ và mang đậm phong cách Việt.

Là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sỹ về sinh hóa ở Mỹ, bác sỹ Tâm từng là Hiệu trưởng Đại học Y khoa Huế và Đại học Y khoa Sài Gòn những năm trước 1975. Ông cùng các bạn sinh viên y khoa miền Nam tuyên thệ khi ra trường: "Vì tình thương nhân loại, tôi sẽ cứu giúp tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ ai có khả năng và thiện chí". Đây cũng chính là dòng chữ mà bác sỹ Tâm đã khắc lên bức phù điêu gần nơi ông hàng ngày ngồi làm việc.

truong-vinh-trong-2.jpg
Chèn chú thích ảnh vào đây
Ông Robert Gisk - người được bác sỹ Tâm dạy tiếng Việt và đưa về Việt Nam để thực hiện một số dự án hợp tác y tế giữa Việt Nam và Mỹ đã nói về bác sỹ Tâm với sự kính trọng: “Tôi thật sự ấn tượng về bác sỹ Tâm vì lòng tận tình công việc, với cộng đồng người Việt Nam và châu Á. Ông ấy là người rất uyên bác, làm việc nhiệt tình và có động lực. Ông ấy mơ ước thực hiện nhiều dự án ở Việt Nam như xây dựng bệnh viện, trường y khoa, cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ông ấy còn là người thấm đậm chất Việt Nam từ cách ăn mặc, cử chỉ đến lời nói”.

Còn nữ Tiến sỹ Jessica Anne Clarke, giảng viên trường Đại học Washington, người đã cộng tác với bác sỹ Tâm suốt 17 năm qua, và nhiều lần theo sự giới thiệu của ông đã đến Việt Nam để giảng dạy chuyên môn, hồ hởi nói về đồng nghiệp của mình: “Bác sỹ Tâm là một người tuyệt vời. Tôi khâm phục trình độ y học của ông ấy cũng như am hiểu về xã hội, nghệ thuật. Trong bác sỹ tâm có hai con người, ông ấy thực sự là người Việt nhưng ông ấy cũng là một người Mỹ hiện đại. Ông ấy luôn cân bằng và thích hợp với cả hai nền văn hóa”.

Bác sỹ Thành, một học trò cũ của bác sĩ Tâm nhắc đến thầy giáo của mình như một tấm gương không chỉ ở nghề nghiệp mà còn cả ở đạo đức, phong cách sống và biểu tượng của lòng yêu quê hương đất nước. Bác sỹ Thành tâm sự: “Bác sỹ Tâm muốn con cháu mình, mặc dù sống ở nước ngoài, luôn luôn hướng về Tổ quốc, hướng về cội nguồn dân tộc. Tôi đã đến nhà các con của bác sỹ Tâm và thấy rằng cách trang hoàng nhà cửa, cách dạy con, cháu hoàn toàn theo phong tục Việt Nam”.

Gia đình Bác sỹ Tâm trong 1 lần đón Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng
Dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà ấm cúng và thấm đẫm bản sắc Việt, ông giới thiệu những kỷ niệm cũ, những chuyến đi đáng nhớ về Việt Nam; giới thiệu về từng thành viên gia đình, về cách sinh hoạt. Ấn tượng nổi bật đó là đám cưới của các con ông đều được tiến hành theo truyền thống Việt Nam, cô dâu chú rể mặc áo dài, khăn đóng, bái tạ tổ tiên, và quì lạy cha mẹ.

Bác sỹ Tâm dành cả một căn phòng để lưu giữ và giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam như các làn điệu dân ca quan họ, hát chèo, hát văn, ca trù, ca Huế, cải lương, tâm sự về quan niệm sống và cách dạy con cháu của mình. Bác sỹ Tâm nói: “Theo tôi, người Việt Nam phải hướng về cái gốc của mình, cũng giống như một cái cây muốn vươn lên cao thì gốc rễ phải bám thật sâu. Dù chúng tôi sống ở nước ngoài, nhưng nếu không có cái gốc Việt Nam thì người nước ngoài sẽ coi chúng tôi không ra gì. Chúng tôi tới đây là mang cái đẹp, cái văn minh và đặc sắc của Việt Nam vào nước Mỹ. Chúng tôi thấy mình phải hãnh diện vì là người Việt Nam”.

Rời căn nhà của bác sỹ Tâm, làn điệu dân ca quan họ do ông trình bày trong sự rung động nhớ quê là ấn tượng mạnh đọng lại nơi tôi trong chuyến thăm đầy thú vị này./.