Tham gia buỗi lễ có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các nhà sư Srilanka tại Nhật Bản, các nhà sư Nhật Bản, cùng hơn hai trăm người là phật tử, bà con Việt Kiều, sinh viên, học sinh tại Nhật Bản.

gac_ma_nhat_ban_vov_1__vtkd.jpg
Toàn cảnh buổi lễ

Trước khi vào Lễ tưởng niệm, các Chư tôn Hòa thượng, Thượng Tọa Chùa Bái Đính, tăng ni, phật tử, người Việt Nam tại Nhật Bản đã thắp hương, tụng kinh cầu khấn cho các anh linh các liệt sỹ. Sau lễ tụng kinh là buổi lế thắp nến cầu siêu mong linh hồn các liệt sỹ siêu thoát, cầu cho quốc thái dân ân, hạnh phúc của cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong không khí đầy cảm xúc và biết ơn, Nhà sư Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản rưng rưng: “Có những sự kiện chỉ vài năm trôi qua đã “lạc khỏi trí nhớ” của nhiều người, nhưng có sự kiện lịch sử xảy ra hàng chục năm trước vẫn còn nguyên giá trị và in đậm trong tâm khảm của mọi người. Trận chiến Gạc Ma vào năm 1988 là một sự kiện như vậy.

Trong sâu thẳm trái tim người Việt Nam, sự ra đi của các anh là nỗi đau thương, mất mát vô cùng to lớn, nhưng cũng là niềm tự hào để cán bộ, chiến sĩ ngày nay chắc tay súng ngày đêm bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo, và vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu. Các anh hãy yên nghỉ cho ngàn thu yên bóng, hình hài hòa quyện với non sông và sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trang sử rạng ngời của đất nước Việt Nam quang vinh”.

Đèn xếp thành hình chữ Gạc Ma.

Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản xúc động nói: “Thế hệ người đi trước đã soi đường và dẫn lối, trao truyền niềm tin yêu dân tộc cho các thế hệ tiếp theo. Truyền thống “Chim có tổ, người có tông” đã chảy trong huyết quản của mỗi người con Việt Nam chúng ta. Hôm nay với sự kiện tưởng niệm các liệt sĩ trong trận Gạc Ma và các chư vị hương linh, thực sự tôi thấy đầy cảm xúc và tràn ngập tình yêu quê hương đất nước.”

Ông Phúc nói tiếp: “Qua đây tôi mới thấy một điều rằng hạnh phúc mà chúng ta có hàng ngày có từ đâu? Đó là từ sự hy sinh lớn lao của những thế hệ đi trước. Các chiến sĩ đã hy sinh để chúng ta được hưởng hạnh phúc hàng ngày như chúng ta đang có. Tôi cầu mong anh linh của các chiến sĩ siêu thoát.”

Không chỉ những thế hệ người cao tuổi mới trân trọng và cảm thấy tự hào về dân tộc, về sự dũng cảm quên mình của các các liệt sỹ hi sinh tại Gạc Ma, các thế hệ con cháu cũng cảm nhận được sự thiêng liêng của hai tiếng Việt Nam, của từng nắm đất trên lãnh thổ Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản.

Em Trần Thị Thùy-Phó Chủ tịch Hội sinh viên thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản cảm thấy rất tự hào với truyền thống dân tộc. Em cũng đã ngấn lệ khi nói về sự hy sinh của các thế hệ đi trước: “Con cảm thấy nghẹn ở trong lòng và đã khóc khi xem những thước phim tài liệu. Để chúng con có thể lớn lên trong thế giới hòa bình như ngày hôm nay, đặc biệt được sang học tập tại Nhật Bản, chúng con không thể quên được sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước. Ngày hôm nay, các chiến sĩ vẫn đang vững chắc tay súng bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ biển đảo của dân tộc Việt Nam. Chúng con không thể hiểu hết được những khó khăn đó, chỉ mong gửi tới tấm lòng đẹp đẽ nhất của thế hệ trẻ cầu siêu cho linh hồn các chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma”.

Nguyễn Văn Giáp - sinh viên năm 3, trường Đại học Seigakuin nói rằng khi nhắc đến cuộc chiến ở đảo Gạc Ma, em thấy rất hào hùng. Là thế hệ trẻ học tập ở Nhật Bản em nguyện phấn đấu học tập tốt.

Sau Lễ cầu siêu là không gian triển lãm ảnh nhỏ về Trường Sa, Hoàng Sa - chủ quyền Việt Nam cũng được nhiều người quan tâm. Thông qua đây bạn bè Nhật Bản, và thế hệ trẻ sẽ hiểu sâu sắc thêm về chủ quyền dân tộc của Việt Nam./.