Trưa 12/3, trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã trở thành nơi tụ họp đầm ấm trong bữa cơm trưa cho 23 người Việt sơ tán từ hai nơi của Ukraine, đến hai thành phố của Nga là Voronez và Rostov. Đoàn gồm 9 người từ Rostov và 14 người từ Voronez đều đi tàu hỏa lên Moscow để lên máy bay về nước vào buổi tối. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga đã bố trí xe đi đón bà con ở các nhà ga. Đặt chân đến trụ sở của Đại sứ quán, ai nấy đều vui, cảm động vì những tình cảm ấm áp mà cộng đồng người Việt tại Nga và ở các địa phương, cũng như sự quan tâm của Đại sứ quán dành cho bà con trong những ngày qua.
Ông Nguyễn Thanh Bình, sinh sống và kinh doanh ở Donetsk-Ukraine đã 33 năm, không giấu nổi xúc động: “Khi đến Moscow, được mọi người ra tận toa tàu đón, tôi rất mừng, về đến Đại Sứ quán, bước vào Đại Sứ quán, nhìn thấy cờ Tổ quốc, vào trong tòa nhà ngửi thấy mùi hương đã thấy quê hương ở gần".
Ông Bình cho biết, trước khi quyết định đi sơ tán, ông đã trải qua cả tuần suy nghĩ, mất ngủ, mặc dù đã đi sơ tán một lần vào năm 2014 nhưng lần này rất nhiều cảm xúc. Bởi phía sau lưng là cả cơ ngơi bao nhiêu năm xây dựng của gia đình ông và bao nhiêu bà con không về được, do các hoàn cảnh khác nhau, nên ông rất trăn trở. Nhưng giữa sự an nguy, ông đã phải chọn phương án rời Ukraine.
Theo lời ông, từ nhà ra biên giới chỉ 120 km nhưng phía sau đạn pháo nổ. Khi đến biên giới, nhìn thấy đoàn cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga ra đón thì ông rất vui mừng, tan biến bớt nỗi lo lắng, sợ hãi. Khi về đến Rostov thì cộng đồng người Việt ở Rostov đã hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con từ Donetsk sang lánh nạn, có chỗ ăn ở ổn định. “Thực sự tôi rất cảm động, rất cảm ơn nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con được trở về quê hương, thứ hai là Đại sứ, đoàn công tác của Đại sứ quán, bà con cộng đồng ở đây tạo mọi điều kiện giúp cho bà con vùng chiến sự", ông Bình bày tỏ.
Ông Hoàng Minh Hồng, sinh sống và làm ăn ở ngoại ô thành phố Kharcov-Ukraine suốt 35 năm qua, lần này phải sơ tán sang Voronez để về nước, có tâm trạng vui buồn lẫn lộn: “Buồn là mình ra đi không mang được gì, của cải, tài sản ở lại đấy hết, nhưng mừng là mình đã thoát thân, đến giờ phút này là mình sống rồi và sẽ được về quê hương".
Với bà con người Việt đã sinh sống và làm ăn lâu ở Ukraine, họ đều coi nơi đó như quê hương thứ hai của mình. Bà Vũ Thị Minh Nguyệt, người đã ở Ukraine 32 năm, nghẹn ngào và không ngăn được những giọt nước mắt: “Khi lên taxi rời khỏi nơi mình ở thì rất lưu luyến, mình sống ở đấy lâu, coi như quê hương thứ hai, không muốn rời xa, gia đình, con cái ở đấy cả. Vì hoàn cảnh, mấy chị em phải bỏ lại tất cả sau lưng, quay về để an toàn cho tính mạng của mình, gia đình".
Hai vợ chồng bà Nguyệt đã được an toàn nhưng hai người con hiện vẫn còn kẹt lại ở gần biên giới Ba Lan. Vì thế, tâm trạng của bà vẫn hết sức thấp thỏm, lo âu, khi các con chưa được an toàn.
Trong nhóm bà con người Việt sơ tán sang Voronez, còn có một cháu bé hơn 2 tuổi đi cùng bà ngoại, trong khi bố mẹ cháu đi theo hướng khác sang Ba Lan. Chiến sự xảy ra đã ngăn họ ở hai nơi tại Ukraine không thể gặp nhau và cùng về nước. May mắn là họ đều đã được an toàn.
Hiện giờ vẫn còn một số người Việt kẹt lại ở các thành phố khác nhau của Ukraine, đối mặt với nguy hiểm của bom đạn, không có điện, nước, thiếu lương thực, thực phẩm, thông tin liên lạc khó khăn. Không thể kể hết những nỗi gian nan vất vả mà bà con người Việt tại Ukraine đã và đang phải trải qua./.