Trên khắp châu Âu nói chung, và nước Đức nói riêng, có một bộ  phận không nhỏ người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc.

Quả thật sẽ là một điều không dễ dàng khi họ đang sống ở một đất nước hiện đại, pha tạp nhiều nền văn hoá khác nhau của phương Tây nhưng bản thân họ luôn muốn giữ gìn những phong tục tập quán truyền thống của đất nước mình. Người ta thường nói “Hoà nhập, chứ không hoà tan” và chính họ đã làm được điều đó. Họ là một bộ phận người Việt quan trọng không chỉ biết cách dung hoà các nền văn hoá một cách hợp lý, mà còn biết cách đưa nền văn hoá truyền thống Việt Nam ra ngoài thế giới và ngược lại. Họ gìn giữ những nét truyền thống của quê hương trong từng lời ăn tiếng nói, từng món ăn, phong tục ngày lễ. Và dễ nhận ra hơn cả trong thời đại bây giờ, chính là cách mà người Việt tổ chức đám cưới tại nước ngoài.

dam-cuoi-duc.jpg

Có một nghịch lý là trong khi ở Việt Nam, ngày càng xuất hiện các đám cưới mang tính chất “sính ngoại” với những nhà hàng hoành tráng, dàn siêu xe đưa đón thì ngay tại đất nước Đức, có những đám cưới với quy mô rất nhỏ, giản đơn nhưng đầm ấm đến không ngờ.

Những bức ảnh dưới đây được ghi lại trong đám cưới của con gái Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh trong tháng 6/2013, tại Berlin. Đám cưới của đôi trẻ Ngọc Tùng- Hương Giang có sự hiện diện không chỉ của gia đình, người thân mà còn của rất nhiều bà con kiều bào người Việt tại Đức. Điều đáng ngạc nhiên là nếu chỉ nhìn những bức ảnh dưới đây sẽ rất nhiều người cho rằng đám cưới này được tổ chức ở Việt Nam. Đó chính là một cách thừa nhận và bày tỏ sự cảm phục rõ ràng nhất về việc gìn giữ những nét văn hoá truyền thống của một bộ phận không nhỏ người Việt nơi xứ người. Tất nhiên, không thể nào hoàn toàn giống hệt như một đám cưới hỏi ở Việt Nam bởi đám cưới của người Việt ở phương Tây thường đan xen hài hoà hai nét văn hoá Đông Tây nhưng những phong tục chính và những nghi lễ cơ bản vẫn có.

Để chuẩn bị cho đám cưới, các gia đình đều trang hoàng nhà cửa, sửa sang lại bàn thờ tổ tiên để làm lễ gia tiên, đón dâu. Trên bàn thờ đều có đầy đủ mâm ngũ quả, bánh trái, gà luộc, xôi nếp...  Cũng như đám cưới ở Việt Nam không thể thiếu lễ ăn hỏi, lễ đón dâu theo nghi thức truyền thống.

Trong ngày đón dâu, nhà trai sẽ đến nhà gái để xin dâu trong đó có cả trầu cau, mọi người chuẩn bị quà để chúc mừng cô dâu chú rể. Và hơn hết, trong ngày này không thể thiếu các tà áo dài truyền thống của người Việt Nam, có thể nói đây là một trong những điều đáng quý và đẹp nhất khi mỗi người Việt xa quê hương vẫn luôn giữ gìn, mang theo trang phục dân tộc trong những sự kiện quan trọng nhất của mỗi đời người ở tận một đất nước xa xôi .

Sự khác biệt của đám cưới ở Đức so với ở Việt Nam là ở lễ thành hôn, chụp ảnh chân dung cô dâu chú rể trước tiệc và mở tiệc đãi khách. Lễ thành hôn thường được tổ chức ở nhà thờ hoặc công viên, sau đó cô dâu chú rể sẽ chụp ảnh chân dung, và tiệc đãi khách sẽ được tổ chức sau cùng. Đặc biệt, trong các buổi lễ này, kể cả trong bữa tiệc đãi khách, chúng ta dễ bắt gặp các em bé, các cô các chị vẫn mặc những tà áo dài truyền thống tuyệt đẹp, được thưởng thức nhiều món ăn Việt Nam. Điều này tô điểm thêm cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và buổi tiệc vẫn mang đậm tính Việt dù được tổ chức trong một không gian “rất Tây”.

Có thể nói, dù được tổ chức ở Đức, một đất nước xa xôi và có sự khác biệt về văn hóa, nhưng những nét giá trị truyển thống của Người Việt vẫn được bà con người Việt trân trọng, giữ gìn. Điều này góp phần giúp mọi người luôn hướng về quê hương, nhất là thế hệ nguời Việt thứ hai, thứ ba có điều kiện hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, góp phần giáo dục các em ở thế hệ tiếp theo tình yêu quê hương, đất nước và luôn nhớ về cội nguồn của mình.Một số hình ảnh trong ngày cưới: