Tại Liên bang Nga có khá đông người Việt Nam đã học tập, sống và làm việc hàng chục năm cũng như những người mới sang đây vài năm. Những câu chuyện đời của bản thân họ và của những người Việt khác có thể cho thấy một bức tranh sống động về người Việt Nam ở Nga.
Gian nan khởi nghiệp
Trung tâm triển lãm, thương mại, khách sạn, chung cư Incentra vùng Đông Bắc Moscow. (ảnh minh họa) |
Anh Nguyễn Văn Chương năm nay 46 tuổi hiện đang sống ở Moscow, phố D.Ulianova, khu chung cư của các cán bộ công tác tại SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế cũ). Anh Chương trước đây tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Krasnodar với tấm bằng đỏ đầu những năm 90 của thế kỉ trước. Sau khi tốt nghiệp, anh về nước công tác một thời gian ngắn, nhưng sau đó anh quay lại Moscow làm thuê cho một công ty may mặc của Việt Nam tại Liên bang Nga. Mặc dù đây là thời điểm rất khó khăn cho nhiều người Việt nhưng anh Chương đã vượt qua và sau đó được một số công ty Việt Nam cử làm đại diện để làm ăn với Nga. Cách đây 10 năm anh lấy vợ và đến nay đã có 3 con. Vợ anh trước cũng học ở Nga và nay ngoài chăm sóc con cái, chị làm kế toán cho một số công ty nhỏ của người Việt đang kinh doanh ở đây. Gia đình anh hòa nhập tốt với cộng đồng địa phương, đóng góp từ thiện cho khu vực mình ở, chia sẻ vui buồn với hàng xóm và thậm chí cuối tuần đi tắm "banhia" công cộng kiểu Nga cổ (tắm hơi với lá bạch dương, sồi và tự quạt lò) với họ.
Cuộc sống của anh chị cũng bình thường như bao người Việt đang sống và làm việc ở hải ngoại, nhưng điều may mắn là con cái của anh Chương được hưởng những điều tốt đẹp của nền giáo dục Nga. Các em đến tuổi tới trường mẫu giáo hay lớp 1 muốn vào trường tốt cũng phải thi và khi vào rồi là được học và ăn trưa miễn phí. Con gái lớn nhà anh Chương mới học lớp 3 nhưng tiếng Nga rất xuất sắc và thi giành giải 3 về môn ngữ văn toàn Quận. Hai đứa sau đang học mẫu giáo và đi nhà trẻ với các bạn Nga cùng trang lứa nên tiếng Nga của chúng thật hoàn hảo. Chỉ nghe chúng nói chuyện với bạn bè thì không thể phân biệt bé nào là người nước ngoài. Tuy nhiên, khi về nhà, anh chị và các cháu vẫn giao tiếp bằng tiếng Việt và hàng năm các cháu đều được về thăm ông bà nội ngoại ở Việt Nam. Một thế hệ người Việt mới được sinh ra tại Nga nhưng vẫn giữ được chất Việt Nam đã hình thành từ thế hệ trước.
Anh Nguyễn Văn Chương (trái) và tác giả tại khu trường Đại học Tổng hợp Moscow |
Tôi có một anh bạn sang Nga cũng lâu rồi nhưng với một hoàn cảnh khác anh Chương. Anh tên là Khánh đến Moscow khoảng cuối những năm 90 của thế kỉ 20 theo một người họ hàng. Anh đến xứ sở bạch dương với vốn liếng tiếng Nga hầu như không có gì và làm thuê cho người thân nhiều năm trời. Sau rồi anh cũng có một số tài sản nhất định nên tự thuê các quầy tại chợ rồi bán hàng trực tiếp cho người địa phương. Công việc rất vất vả, sáng phải dậy từ 4-5 giờ, lúc trời còn tối đen và đặc biệt mùa đông nước Nga thì lạnh thấu xương. Phiên chợ chỉ thực sự kết thúc với anh khoảng 9-10 giờ tối và sau đó về đến nhà chỉ kịp tắm rửa rồi lên giường đi ngủ để lấy sức cho một ngày chợ hôm sau. Sự bươn trải cứ như thế trôi đi hơn chục năm trời nhưng anh Khánh cùng vợ, cũng từ trong nước sang tiếng tăm hạn chế, không than phiền nhiều bởi anh chị quen rồi và cũng tích lũy được ít vốn. Gần đây công việc làm ăn có khó khăn hơn, một số chợ gần trung tâm Moscow đã bị chính quyền đóng cửa và chuyển ra xa. Rất nhiều người đã trở nên trắng tay và phải quay trở lại đất nước.
Thay đổi cách nghĩ
Những năm trước, hàng hóa, chủ yếu là quần áo, bày bán ở chợ hoặc phân phối cho các tỉnh khác, anh Khánh thường nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và đôi khi từ Việt Nam. Gần đây có một số nguồn hàng may sẵn ngay tại Nga cung cấp cho các khu chợ ngoại ô Moscow. Giá của các hàng hóa này mềm hơn hàng nhập từ nước ngoài và mẫu mã lại thay đổi liên tục. Nghe nói có một số xưởng may "chui" cung cấp hàng may mặc rẻ tiền trên. Với bản tính năng động và khả năng nắm bắt tình hình nhạy bén, anh Khánh bàn với một số bạn bè lâu năm tìm hiểu khả năng đầu tư các xưởng may hợp pháp ở đây.
Những năm 80 của thế kỉ trước, có hàng chục vạn công nhân Việt Nam đến Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu làm việc tại các nhà máy may và dệt, được bạn đánh giá cao thì tại sao giờ đây người Việt mình không nghĩ đến điều đó. Nói là làm, anh Khánh và các bạn đã đến gặp chính quyền địa phương tại một số khu vực lân cận Moscow để tìm hiểu thuê đất và các chính sách đầu tư. Đến nay, công việc tạm ổn, các quan chức địa phương đã được mời sang thăm Việt Nam tìm hiểu các cơ sở may Việt Nam và năng lực của các nhà đầu tư. Họ đã bật đèn xanh cho việc xây dựng các nhà máy may tại những khu vực rộng lớn cận Moscow với việc sử dụng két hợp nhân công địa phương và Việt Nam. Điều này cũng giống như việc xây các nhà máy mì ăn liền, gạch bông hay làm nông nghiệp của một số nhà đầu tư Việt Nam tại Nga và các nước SNG khác. Chỉ bằng cách tiếp cận chính thống như vậy thì anh Khánh cùng họ hàng của mình mới có thể sống và làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật cũng như hòa nhập tốt với cộng đồng địa phương.
Do những biến cố lịch sử, cộng đồng người Việt Nam (khoảng 100.000 người) đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga gần hai thập kỷ. Cộng đồng người Việt sống tập trung ở quanh Moscow và rải rác tại một số khu vực ở miền Đông Siberia, miền Nam vùng Kuban và Kazan. Đa số người Việt ở Nga làm ăn buôn bán nhỏ tại các chợ, mở nhà hàng và gần đây đã có các đầu tư vào xây dựng nhà máy và bất động sản. Những dự án đầu tư như của anh Khánh rất đáng được khuyến khích, đem đến sự tự tin cho những người Việt vốn xưa nay thường đứng đằng sau, và thay đổi cách nhìn của quan chức và người dân địa phương theo hướng thiện cảm với những người Á Đông.
Tạo dựng niềm tin
Nước Nga ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với những năm 90 của thế kỉ trước. Từ khi Tổng thống Nga V. Putin lên cầm quyền (2000-2008) và tiếp đó Tổng thống D. Metvedev (2008-2012) cũng như nhiệm kì hiện nay của Tổng thống Putin, tình hình chính trị xã hội Nga dần đi vào ổn định, kinh tế phục hồi và phát triển, đời sống của người dân Nga tiếp tục được cải thiện. Tuy vậy, nước Nga cũng phải đối phó với một số nguy cơ như chủ nghĩa khủng bố, tình hình bất ổn tại Bắc Kavkaz và tình trạng suy giảm dân số, khan hiếm nguồn nhân lực… Trong quan hệ quốc tế, Liên bang Nga chủ trương tiến hành chính sách đối ngoại linh hoạt, đa phương hóa quan hệ, tạo môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Với gần 100.000 người, cộng đồng người Việt Nam đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga gần hai thập kỷ. |
Về quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, quan hệ chính trị hai nước có độ tin cậy rất cao và không ngừng đươc củng cố tạo hành lang cho các hợp tác kinh tế thương mại hai nước phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có những dự án liên doanh khai thác dầu khí ngay tại Nga. Việt Nam thuộc số rất ít các nước bên ngoài được tham gia khai thác tài nguyên của nước Nga, Ngài Andrei. G. Kovtun, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam khẳng định như vậy tại một Hội thảo gần đây. Thậm chí, theo Đài tiếng nói nước Nga, kể từ đầu năm nay Việt Nam đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào Liên bang Nga và là một trong số các nước đầu tư lớn vào xứ sở bạch dương.
Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước cũng đã tạo lòng tin cho cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga có một chỗ đứng vững chắc và đóng góp vào nền kinh tế nước Nga. Việc chính quyền thành phố Moscow đã tạo các điều kiện thuận lợi về cấp đất và thủ tục xây dựng Trung tâm triển lãm, thương mại, khách sạn, chung cư Incentra vùng Đông Bắc Moscow có giá trị trên 240 triệu USD, với sự góp vốn của cộng đồng người Việt tại Nga và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), cho thấy sự nhạy bén kinh tế và tình cảm chân thành của nhân dân thủ đô nước Nga. Khi dự án đi vào hoạt động (trong quí 3 này), cộng đồng người Việt Nam tại Nga có một địa chỉ tin cậy mang tính pháp lý cao để họ yên tâm sinh sống và làm ăn lâu dài, đem lại nhiều công ăn việc làm cho người dân quanh vùng và đóng góp một phần vào ngân sách tại khu vực còn chưa phát triển này của Moscow.
Trong thế kỷ 20, do nhiều nguyên nhân gần bốn triệu người Việt Nam đã phiêu bạt đi nhiều nước trên thế giới và giờ đây định cư yên ổn tại các nước đó. Người Việt Nam đi đến đâu đều chịu thương, chịu khó làm ăn sinh sống đoàn kết, luôn cố gắng tuân thủ pháp luật, hòa nhập với dân nước sở tại và dần dần xây dựng uy tín của cộng đồng mình. Các thế hệ đầu tiên phải rất vất vả để mưu sinh nhưng luôn tạo các điều kiện tốt nhất cho con em mình ăn học và nuôi dưỡng ý chí vươn lên. Các thế hệ sau này được sinh ra tại một đất nước mới, được học hành và phát triển như bao bạn bè đồng lứa bản địa và có người đã thành tài, nổi danh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn có nguồn gốc Việt Nam và là chiếc cầu liên kết bền chặt giữa đất nước Việt Nam với các nước. Hy vọng rằng, các con anh Chương, anh Khánh và con em các gia đình khác sinh ra và lớn lên tại Liên bang Nga và con em các chuyên gia Nga làm việc tại Việt Nam được sinh ra và lớn lên tại đất nước Đông Nam Á này sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước họ, sinh sống, làm việc và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Nga./.