Hội Sinh viên Việt Nam tại Canberra (viết tắt là ACTVOSA) có khoảng 100 thành viên là sinh viên các trường Đại học Quốc gia Australia (ANU), Đại học Canberra (UC), một số trường khác tại Canberra và con em cán bộ người Việt đang công tác tại Canberra đã tổ chức thành công lễ hội văn hoá ẩm thực Việt Nam vào lúc 5 giờ chiều ngày 4/10/2013 tại khuôn viên của trường ANU.
Lễ hội bao gồm chương trình ca múa nhạc, trình diễn áo dài dân tộc, trưng bày các hiện vật văn hóa Việt, và ẩm thực các món ăn Việt Nam kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Khách mời tới lễ hội là các thầy cô giáo người Australia, cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Canberra, sinh viên Việt Nam và bạn bè quốc tế cùng cộng đồng dân cư của thành phố Canberra. Trường ANU và Đại Sứ quán Việt Nam đã hỗ trợ phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội.
Nguyễn Thị Vĩnh Hoài, Chủ tịch ACTVOSA cùng Vũ Tuấn Khôi, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại ANU tuyên bố khai mạc chương trình |
Mở đầu lễ hội là chương trình ca múa nhạc.Tốp múa nữ với điệu múa “những cô gái Việt Nam” chinh phục khán giả bằng các động tác mềm mại và trang phục nón quai thao, áo tứ thân cách điệu... mang đậm nét quê Việt.
Tốp nữ trình diễn điệu múa Những cô gái Việt Nam |
Các cháu thiếu nhi 5-12 tuổi là con em của các cán bộ, sinh viên Việt Nam góp vui bằng điệu múa trống cơm vui nhộn.
Các cháu thiếu nhi múa Trống cơm |
Tiếp theo là bài hát “Quan họ” do tốp ca nam nữ thể hiện mô tả cảnh các liền anh liền chị giao duyên thật là tình tứ.
Liền anh, liền chị Quan họ |
Tốp ca nam nữ tiếp tục khuấy động chương trình qua tiếp mục hát múa “Tiếng trống Paranưng” với giọng hát khoẻ khoắn của các bạn nam và điệu múa uyển chuyển tinh tế của các bạn nữ.Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên sau mỗi tiết mục.
"Tiếng trống Paranưng" |
Điệu múa sạp tưng bừng đã thu hút sự tham gia của nhiều bạn bè quốc tế. Các bạn nam sử dụng những ống nhựa màu hồng giả làm thanh tre để đánh nhịp thật là khéo.
Múa sạp |
Một trong những điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn áo dài dân tộc Việt Nam do các bạn nam nữ sinh viên thể hiện với sự tham gia của “người mẫu” quốc tế.Bạn Hoàng Thị Hải Hà hiện đang là sinh viên trường ANU và bạn trai Paul John Burke hiện đang là nghiên cứu viên giảng viên trường Crawford thuộc trường ANU đã tham gia rất nhiệt tình
Hoàng Thị Hải Hà và Paul John Burke, giảng viên ĐH Australia cùng tham gia trình diễn áo dài dân tộc Việt Nam |
Paul nói tiếng Việt rất giỏi và anh cho biết lý do anh tham gia trình diễn áo dài là: “Tôi thật là vui khi được diện áo dài lần đầu tiên. Tôi yêu Việt Nam và đã từng sống tại Việt Nam, nhưng chưa bao giờ có điều kiện mặc áo dài. Thật là vui khi được tham gia trình diễn thời trang áo dài cùng với một số bạn Việt Nam của tôi”.
Khi được hỏi cảm tưởng khi trình diễn the khăn xếp trước các khán giả, anh Paul chia sẻ: “Tôi thấy rất thoải mái. Áo the khăn xếp là một trang phục thật tuyệt – mọi người nên mặc thường xuyên hơn nữa. Đám đông khán giả rất nồng nhiệt và có vẻ thích màn trình diễn. Tôi thấy rất tự hào được tham gia vào một sự kiện đặc biệt như thế này”.
Chị Lê Minh Thu và chồng- anh Chris Brown |
Chị Lê Minh Thu, cựu sinh viên trường ANU và chồng là Chris Brown, người Australia cũng tham gia trình diễn áo dài. Anh Chris Brown chia sẻ anh tham gia trình diễn áo dài vì anh yêu vợ. Chị Minh Thu thì tiết lộ trang phục hai người mặc trình diễn chính là trang phục mà anh chị đã mặc trong lễ ăn hỏi cách đây vài năm.
Bạn Vĩnh Hoài- Chủ tịch ACTVOSA cho biết: thời gian tập luyện cho toàn chương trình là khoảng 3 tuần. Các bạn sinh viên tranh thủ lúc mọi người cùng có thời gian rỗi để tập nên nhiều hôm phải tập đến 12h đêm, 1h sáng. Các tiết mục chủ yếu là tập thể nên để tập hợp được cùng nhau rất khó vì người đi làm, người đi học, lịch không giống nhau.
Năm nay, trang phục rất được chú trọng nhằm tạo ra sắc màu cho lễ hội. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu tới bạn bè quốc tế những trang phục truyền thống rất đẹp và đa dạng của Việt Nam. Nhiều trang phục biểu diễn được các bạn đặt may từ Việt Nam.
Trang phục của đội múa "Những cô gái Việt Nam" do các Hải Thanh, Phương An và nhóm múa tự thiết kế và đặt may tại Hội An. Trang phục biểu diễn các tiết mục hát dân tộc như "Tiếng trống Paranung", múa Trống cơm thì được mua và đặt may tại TP. HCM. Công phu như vậy nên ban tổ chức lễ hội đã rất vất vả trong việc vận chuyển đồ từ Việt Nam sang. May mắn là mọi việc đều ổn vì chuyến hàng cuối cùng đến Canberra là vào 5h chiều 1/10 và là ngày tổng duyệt.Đặc biệt trong chương trình lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã lồng ghép tiết mục Trống cơm do các cháu nhỏ múa, một phần là tạo cho các trẻ em ở đây có một sân chơi, có cơ hội được hiểu hơn về văn hóa Việt, phần nữa là muốn tạo ấn tượng cho Lễ hội vi tiết mục của trẻ em thường được mọi người rất chú ý.
Chương trình ẩm thực do bạn Phương Anh (hiện đang học tại trường ĐH Canberra) phụ trách. Ban tổ chức quyết định làm 8 món ăn phổ biến của Việt Nam do 8 trưởng nhóm chịu trách nhiệm. Các trưởng nhóm được giao việc và chỉ đạo các thành viên trong nhóm làm.
Nhiều căn lều được dựng lên làm nơi bày bán đồ ẩm thực Việt Nam. Quầy chè bắp do hai bạn Vũ Nữ Anh và Nguyễn Thu Hiền quản lý. Nguyễn Thu Hiền hiện đang học ngành Quản lý Môi trường và Phát triển tại ANU. Đây là lần đầu tiên bạn tham gia lễ hội Văn Hoá Việt Nam do Hội sinh viên tổ chức. Hiền thấy rất tự hào khi được giới thiệu về món ăn Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Hai cô gái với gian hàng chè bắp |
Phan Thị Hường, Vũ Thị Khánh Dương và Nguyễn Thị Vân Hạnh tại gian hàng ẩm thực |
Bên cạnh chè bắp, cánh gà nướng, còn có các đặc sản khác là gỏi cuốn, bánh rán, nem rán, nem lụi, bò tái chanh và salad hoa quả. Các món ăn Việt Nam vốn đã được nhiều bạn bè quốc tế biết đến từ trước. Chưa đến giờ bán hàng nhưng các bạn đã xếp hàng dài trước các gian hàng để chờ mua !
Xếp hàng chờ thưởng thức đồ ăn Việt Nam ! |
Lễ hội cũng dành một gian hàng bày các đồ lưu niệm truyền thống của Việt Nam. Gian hàng này do bạn Khắc Linh đang học thạc sỹ kinh tế chịu trách nhiệm. Bạn Khắc Linh cho biết các sản phẩm này không phải để bán mà chỉ trưng bày nhằm quảng bá hình ảnh của Việt Nam, tâm hồn và nét văn hoá của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đây cũng là một cách mà các bạn sinh viên quảng bá cho du lịch Việt Nam. Linh tâm sự: tuy học ở Canberra nhưng lòng lúc nào cũng hướng về Việt Nam và thấy rất vui khi tham gia lễ hội này.
Hai bạn Khắc Linh và Nguyễn Thị Thanh |
Bên cạnh gian hàng đồ lưu niệm Việt Nam là gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công do các học sinh thiểu năng, tàn tật tại Việt Nam thực hiện. Gian hàng do chị Nguyễn Xuân Uyên đang làm việc tại Trường ANU và bạn Quỳnh Anh hiện đang học năm cuối cấp 3 tại trường ANU chịu trách nhiệm. Chị Uyên cho biết nhiều khách quốc tế đã rất quan tâm, thích thú ngắm các đồ thủ công in hình tranh vẽ của các cháu thiếu nhi tàn tật tại Việt Nam.
Giới thiệu sản phẩm thủ công do các học sinh thiểu năng, tàn tật tại Việt Nam làm |
Ông bà Phạm Văn Trác va Lê Anh Đào sang thăm gia đình tại Canberra cùng các cháu tham dự chương trình |
Lễ hội kết thúc khi trời đã tối, các điệu múa lời ca đã làm xiêu lòng khán giả và các món ăn đã được thưởng thức hết. Theo lới nhận xét của nhiều khán giả người Australia thì: “Lễ hội được tổ chức thật là chuyên nghiệp, nhiều màu sắc và đậm chất dân tộc Việt Nam!”./.