Ông Nay Kai, dân tộc Gia Rai, từng là Trưởng Công an xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa – Gia Lai và đã nghỉ hưu cách đây hơn 10 năm. Nghỉ hưu nhưng chưa một ngày nghỉ việc, bởi bà con buôn Hiao bầu ông làm già làng – một chức danh  được mọi người dân trong buôn kính trọng. Hơn 10 năm qua, già làng Nay Kai trở thành điểm tựa vững chắc cho mọi thành viên trong buôn Hiao đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người dân buôn Hiao kính trọng và bầu già Nay Kai làm già làng không chỉ vì ông có hiểu biết rộng, ông là đảng viên, mà còn vì ông hết lòng vì bà con dân làng. Ông chỉ dẫn cho dân làng cách làm ăn, cách thức xây dựng đời sống văn hóa. Trong buôn có bất kỳ chuyện gì, từ ma chay, hiếu hỉ đến các xích mích to, nhỏ giữa các hộ gia đình là ông đều có mặt.  

Với uy tín của mình, ông nói ai cũng nghe. Không những thế, bằng nhiều cách, nhiều hình thức giải thích khá nhau, hướng dẫn để dân làng hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghe lời ông, bà con không tin, không theo kẻ xấu mà chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.

ba-con.jpg
Đồng bào Gia Rai tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ảnh: KT)

Ông Ksor Bur, một người dân trong buôn Hiao, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa nói: “Bà con buôn mình rất vui vì có già làng Nay Kai, già có hiểu biết, già có uy tín, già nói là ai cũng nghe. Mình cùng bà con sẽ tiếp tục phấn đấu cùng với già làng Nay Kai, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế để một năm mới thành công, mùa màng bội thu và xây dựng buôn làng giàu đẹp”.

Thời gian từ năm 2000 đến 2004, ở nhiều buôn làng của thị xã AYun Pa, bọn phản động Fulro tăng cường hoạt động chống phá Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Già Nay Kai biết rõ âm mưu của bọn Fulro, ông nghe ngóng tỉ mỉ ở mọi nơi, mọi người, từ già tới trẻ, nhất là đám thanh niên để biết được mọi hành động của bọn Fulro, và nắm bắt được tâm tư của từng người trong buôn.

Rồi từ đó, ông gặp từng người, ông phân tích tỉ mỉ để mọi người hiểu rõ, không tin, không nghe theo. Vì thế, đã hơn 10 năm nay, không một người dân nào của buôn Hiao đi theo bọn phản động Fulro. Đây cũng là điều đáng mừng nhất của già làng Nay Kai.

Bước qua năm mới, già Nay Kai cũng đã bước qua tuổi 70, nhưng già vẫn nêu rõ quyết tâm cùng dân làng xây dựng khối đại đoàn kết, xây dựng buôn làng giàu đẹp. Già Nay Kai chia sẻ: “Bước qua năm mới rồi, mình cũng đã già rồi nhưng mình sẽ vẫn gắng sức, còn sống ngày nào thì mình còn gắng sức ngày ấy để cùng với bà con dân làng xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế. Nhất là chống sự xâm nhập của bọn phản động Fulro, không để chúng làm ảnh hưởng đến dân làng. Cố gắng để bà con hiểu được đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước, xây dựng buôn làng giàu đẹp”.

Đã hơn 10 năm kể từ ngày già Nay Kai nghỉ hưu, về lại với đời sông thường nhật của một người dân buôn làng, được bầu làm già làng, ông luôn tìm cách giúp dân làng phát triển kinh tế, ổn định đời sống và giữ ổn định an ninh trật tự. Dưới sự hướng dẫn của già làng Nay Kai, dân làng tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.

Hiện trong buôn Hiao chỉ còn 24 hộ nghèo trong tổng số 154 hộ dân. Các hủ tục lạc hậu như chôn chung, ma lai, thuốc thư... đã không còn. Những nét văn hóa truyền thống không ngừng được duy trì và phát huy. Buôn Hiao được xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa chọn để nhân rộng điển hình phong trào phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Rơ Chăm Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Già làng Nay Kai là một người uy tín tiêu biểu của xã. Nhờ có già mà buôn Hiao là điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều năm qua, xã luôn chọn buôn Hiao làm điển hình để nhân rộng trong xã. Năm mới này, xã cũng đã có kế hoạch để tiếp tục phát huy những người có uy tín như già làng Nay Kai để thúc đẩy thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu của xã điểm”.

Với những cống hiến liên tục của mình, già làng Nay Kai xứng đáng là điểm tựa cho buôn Hiao, là điển hình tiêu biểu để nhân rộng và phát huy trong vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung./.