ABC Newsdẫn lời ông Ian Williamson cho biết, ông chưa bao giờ muốn nhập ngũ. Tuy nhiên, khi ông 20 tuổi, ông được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự và trải qua 8 tháng trời ở Việt Nam, nơi ông tham gia vào Chiến dịch Overlord và chiến đấu trong vòng 2 tuần tại tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa- Vũng Tàu).
Cuộc gặp đầy xúc động giữa ông Williamson và gia đình liệt sĩ Nguyễn Sỹ Huy. Ảnh ABC News |
Giờ đây, với sự trợ giúp của con gái Amanda- người hiện đang là Thượng tá trong Quân đội Australia, ông Williamson đã quyết định trở lại Việt Nam để đối mặt với gánh nặng đã đeo đẳng ông suốt 4 thập kỷ qua kể từ ngày 13/6/1971 và để lại quá khứ sau lưng.
Đúng vào ngày đó, ông Williamson, lúc đó còn là binh nhì, đã bắn một người lính Việt Nam, một khoảnh khắc cứu mạng ông nhưng lại phủ bóng đen lên tâm trí ông suốt từ ngày đó.
“Tôi nhận thấy có một vật thể chuyển động giữa những thân cây cách tôi khoảng 30m. Tôi dừng lại, chờ đợi và giương súng lên ngắm.
Vật thể đó tiếp tục di chuyển và khi nó bước ra khỏi bụi cây trong rừng cách tôi khoảng 20m, tôi nhận ra đó là một người lính bên địch.
Anh ta cầm một khẩu AK47 và ngay khi tôi nhìn thấy khẩu súng tôi bắn 6 phát liền. Tôi chỉ dừng lại khoảng nửa giây cho đến khi khói tan ra và sau đó xả toàn bộ băng đạn.
Tôi thấy thi thể anh ta nằm úp mặt xuống đất. Một lính quân y của chúng tôi kiểm tra và cho biết anh ta đã chết và tôi nhận thấy anh ta trúng 3 phát đạn, trong đó có một phát xuyên tim. Tôi thấy nhẹ lòng vì anh ta không phải chịu đau đớn hay thậm chí không nhận biết được rằng mình sắp chết.
Sau đó, người lính Việt Nam bị lột toàn bộ đồ đạc trên người và được đem đi chôn cất. Chỉ huy trung đội của ông Williamson trao cho ông một chiếc la bàn và một chiếc võng của người lính nói trên.
“Tôi nói: “Cảm ơn Ngài!” và để 2 thứ đó vào trong balo của mình và chúng vẫn nằm đó trong suốt 44 năm qua”, ông Williamson nói.
Cuộc tìm kiếm kéo dài tới 2 năm
ÔngWilliamson cho biết, ông và con gái mình đã phải tìm kiếm suốt 2 năm trời gia đình của người lính Việt Nam bị ông bắn để có thể đích thân trao trả những kỷ vật đó cho gia đình.
Cô Amanda chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng đó là cách để nói với gia đình người lính Việt Nam rằng, chúng tôi chỉ là người lưu giữ những kỷ vật đó cho họ.
Liệt sĩ Nguyễn Sỹ Huy. Ảnh ABC News |
Trong khi chiến tranh là thảm kịch đối với tất cả các bên và hàng triệu gia đình, đây là một cách thiết thực và cụ thể từ gia đình chúng tôi để gửi lời xin lỗi đến gia đình người lính Việt Nam thông qua việc trao trả những kỷ vật đó cho họ và hy vọng họ có thể nguôi ngoai phần nào”.
Trong khi đó, ông Williamson cho biết, ông có cảm giác “buồn vui lẫn lộn” về quyết định của mình.
“Tôi thực sự nghĩ rằng mình có thể giải quyết ổn thỏa việc này, nhưng càng gần ngày sang Việt Nam, đặc biệt là khi lên máy bay, tôi càng cảm thấy bồn chồn và nghĩ rằng, điều này có ảnh hưởng đến bản thân hơn rất nhiều so với những gì tôi từng hình dung”, ông Williamson nói.
Hành trình trở lại Việt Nam của ông Williamson có lẽ sẽ không trọn vẹn nếu không có sự giúp đỡ của chị Ngô Thị Thúy Hằng, người sáng lập Trung tâm thông tin về liệt sĩ Marin.
Với những thông tin mà ông Williamson cung cấp, chị Hằng đã cố gắng tìm ra gia đình liệt sĩ người Việt chỉ trong vòng vài tuần.
“Chúng tôi tìm thấy những thông tin trùng khớp với những gì ông Williamson cung cấp, bao gồm, tên của liệt sĩ, đơn vị, ngày mất và nơi mất”, chị Hằng nói.
Theo đó liệt sĩ Nguyễn Sỹ Huy bị ông Williamson bắt chết khi anh mới 24 tuổi.
Ông Williamson và con gái mình cùng các thành viên gia đình liệt sĩ Huy đã đi 200km từ Hà Nội về Thanh Hóa nơi anh trai, em gái anh đang sinh sống.
“Tôi vẫn rất ngạc nhiên vì chúng tôi có thể làm được việc này. Tôi từng nghĩ rằng đây là một điều không thể làm được, nhưng với sự kiên trì của Amanda và Đại sứ quán Australia, tôi rất mừng vì chúng tôi đã làm được điều này”, ông Williamson nói.
Cuộc đoàn tụ và lời cảm ơn chân thành từ gia đình liệt sĩ
Ông Williamson và cô Amanda đã được chào đón tại gia đình liệt sĩ Huy và họ đã trao lại chiếc võng và chiếc la ban cho gia đình.
“Tôi không thể hình dung nổi nỗi đau mà gia đình họ phải trải qua khi nghe tin liệt sĩ Huy qua đời”, ông Williamson nói trong khi nước mắt rơi: “Tôi hy vọng rằng điều này giúp gia đình họ thanh thản và linh hồn liệt sĩ Huy sớm siêu thoát”.
Trong khi đó, em trai liệt sĩ Huy, ông Nguyễn Sỹ Định, 65 tuổi, xúc động chia sẻ: “Ngày hôm nay, tôi không biết nói gì hơn là bày tỏ lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn một nguyện vọng cuối cùng là đưa thi thể anh trai tôi về chôn cất tại quê nhà”.
Cũng có mặt tại cuộc gặp đầy xúc động đó, bà Đinh Thị Thọ, 66 tuổi, người mà liệt sĩ Huy rất muốn cưới làm vợ, không giấu được giọt nước mắt kể lại nỗi đau tột cùng mà bà phải trải qua khi biết tin người yêu mình không quay trở về. Phải 10 năm sau, bà mới kết hôn với người khác.
“40 năm trước, khi ra đi, ông ấy hứa sẽ trở về và tôi đã chờ đợi”, bà Thọ nói.
“Tôi thấy thanh thản với những gì mình đã làm được”, ông Williamson chia sẻ./.