Những ngày này, cộng đồng người Việt ở Ai Cập lại trào dâng niềm vui, niềm tự hào khi Việt Nam đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Là một cộng đồng có rất ít cán bộ, sinh viên và bà con Việt kiều nhưng các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước luôn được Đại sứ quán quan tâm tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Yến là một Việt kiều sinh ra một năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Chị không có khái niệm về chiến tranh và cũng không thể hiểu hết những đau thương do cuộc chiến tranh gây ra.

Chị Yến tâm sự: “Tôi cảm thấy đất nước mình trải qua bao nhiêu năm gian khó mới giành được độc lập thì niềm tự hào trong tôi rất lớn lao. Tôi cũng luôn dạy cho các con tôi truyền thống dân tộc. Chồng tôi là người nước ngoài nhưng anh hiểu rõ và tôn trọng các truyền thống, lịch sử của Việt Nam. Anh cũng rất tự hào khi người Việt Nam chiến thắng Đế quốc Mỹ”.

Sinh_vien_hat_mung_Ngay_tho.jpg

Sinh viên Việt Nam tại Ai Cập hát mừng kỷ niệm Ngày Thống nhất đất nước

Cộng đồng người Việt ở Ai Cập rất tự hào khi nói tới lịch sử, nói tới chiến thắng 30/4 cho bạn bè và gia đình. Chị Nguyễn Thị Liên, một việt kiều ở Ai Cập vui mừng cho biết, năm nào chị cũng cho các con tới Đại sứ quán dự lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước để các con biết và nhớ tới lịch sử Việt Nam, quê hương của mẹ. Chị cũng rất vui khi nói về ngày này với gia đình và họ hàng nhà chồng. Chị càng tự hào khi mà nhiều người dân ở làng quê chị sống biết tới lịch sử Việt Nam, chiến thắng vang dội của nhân dân ta.

Chị Liên xúc động khi nói về ngày giải phóng miền Nam: “Tôi xa quê hương đã mười mấy năm rồi nhưng lúc nào cũng nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi rất tự hào khi người thân, bạn bè hỏi về  ngày 30/4. Tôi cũng nói về ngày này cho các con và gia đình nhà chồng nghe ngày đó là ngày như thế nào để họ hiểu. Tôi cũng thường xuyên cho các cháu tới Đại sứ quán Việt Nam để các cháu biết 30/4 là ngày đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng, để các cháu biết lịch sử Việt”.

Là cộng đồng nhỏ, nhưng bà con Việt kiều ở đây rất đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, làm ăn. Tâm tư tình cảm của họ luôn hướng về Tổ quốc. Các đợt quyên góp ủng hộ bà con đồng bào vùng lũ hay nhân dân trên đảo Trương Sa luôn được mọi người tham gia tích cực. Dù bận làm ăn, chăm sóc gia đình nhưng bà con Việt kiều ở đây vẫn luôn nhắc nhở và dạy con cái về truyền thống và lịch sử dân tộc. Càng tự hào, bà con càng nỗ lực xây dựng hình ảnh Việt Nam ngày một giàu mạnh. Mong ước của nhiều người dân lúc này là được về Việt Nam để chứng kiến sự phát triển, đổi thay của đất nước sau 36 năm giải phóng và hoà chung không khí cờ hoa mừng ngày đất nước thống nhất./.