Ở làng thợ mỏ Công ty than Cao Sơn (Cẩm Phả, Quảng Ninh) có một công viên văn hóa mang tên "Cao Sơn Lưu Thuỷ". Quần thể kiến trúc này mang đậm tinh thần văn hóa truyền thống và đạo Phật nằm bên bờ Bái Tử Long.

Đây là nơi hội tụ của một số di tích văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như chùa Một Cột, tháp Bút (Hà Nội), tháp Phước Duyên (Huế), Vọng Cảnh Đài (Ngũ Hành Sơn)... Những công trình này được xây dựng với kích thước gần tương đương những di tích văn hoá nguyên bản.

Tại đây còn có nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (người dân còn gọi là Chùa Bác Hồ) và thờ các bậc thánh nhân và anh hùng dân tộc.

cs-linh-son-mieu.jpg
Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa trái đất mới hình thành, rồng bay lượn trên trời, dưới biển thấy nơi đây phong cảnh hữu tình nên đã ở lại rồi hóa đá thành linh sơn nay gặp người có nhân duyên tôn tạo, chỉnh tu làm cho sinh khí thêm vượng và nơi đây được đẹp như cõi bồng lai tiên cảnh.

Việc lựa chọn xây dựng công trình văn hóa tiêu biểu của kiến trúc văn hóa Việt Nam có chỉnh sửa cho phù hợp với phong cảnh nơi đây với mục đích tôn vinh, bảo tồn văn hóa truyền thống của ông cha, hướng con người tới chốn chân – thiện – mỹ và mong muốn khi đến thăm Công viên, du khách sẽ có những giờ phút thảnh thơi, như được ở trên cõi tiên.

"Cao Sơn Lưu Thuỷ" là quần thể kiến trúc mang đậm tinh thần văn hóa truyền thống và đạo Phật tọa được xây dựng trên diện tích khoảng 12.000mvới mục đích để cán bộ, công nhân vùng mỏ Đông Bắc của Tổ quốc không có điều kiện đi du lịch, tham quan nhưng vẫn có thể được chiêm ngưỡng những công trình văn hoá lớn và đặc sắc của đất nước. Công viên Văn hóa Cao Sơn được khởi công xây dựng ngày 12/3/2003 và khánh thành 01/4/2004. Công trình do chính những người thợ mỏ Cao Sơn xây dựng.

Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, Công viên Cao Sơn Lưu Thuỷ luôn được tu bổ, chăm sóc, giữ gìn. Một số công trình mới được xây dựng thêm hài hòa với cảnh quan nơi này. Những cây ăn trái đã cho quả ngọt xum xuê. Được xác định từ ban đầu, đây không phải là nơi kinh doanh nên đội ngũ quản lý, trông nom Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thuỷ đều là những người thành tâm, tự nguyện. Khách tới thăm nơi này vào ngày mồng Một, ngày Rằm còn được những người trông ở đây nom đon đả mời thưởng thức trái cây, xôi, chè, nước vối... do họ tự chế biến và trồng trọt./.

Cổng vào Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy.

Công trình này được người dân quanh vùng gọi là chùa Bác Hồ...
... bên trong có bàn thờ Bác Hồ
Trong cùng thờ Nam Thiên thánh Tổ Bồ Tát Đại Vương
Kim Liên tòa bảo tháp dáng chùa Một Cột ở Hà Nội.

Tháp Bút linh sơn theo dáng Tháp bút bên Hồ Gươm, Hà Nội.

Linh Sơn động

Nhà bia theo dáng Lầu vọng nguyệt
Đường lên Vọng cảnh đài
Phúc duyên bảo tháp theo dáng Tháp Phước Duyên (Huế)
Vọng cảnh đài theo dáng Khuê Văn Các ở Hà Nội.

Tượng bát tiên nhìn từ Vọng cảnh đài

Công viên giữa chốn bồng lai

Nơi đây hoa nở bốn mùa, nhiều cây ăn quả trái sum suê, gió reo, chim hót làm cho cảnh đẹp nơi đây thực là phong cảnh thần tiên, sơn thủy hữu tình.