Vốn là một trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt, năm 1967, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Nhà lao Cây Dừahay còn gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc trên diện tích khoảng 400ha. Đây là nơi giam giữ “cán binh cộng sản” lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ.Có lúc lên tới 40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ.
Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu được đánh số từ 1 đến 12, do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Mỗi khu trại giam được chia làm nhiều phân khu, mỗi phân khu chứa được 950 tù binh, riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan.
Bao quanh mỗi khu nhà lao là trùng trùng hàng rào kẽm gai 10 – 15 lớp ken cứng với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển thường xuyên có một hải đoàn hải quân tuần tiễu vòng ngoài…
Lực lượng canh giữ tù binh đông đến mức 2 người tù có 1 người lính trông giữ. Bộ máy đàn áp lên đến 4.000 người gồm cả hải, lục, không quân. Với bộ máy này, địch tin rằng không những đàn áp mà đánh bại bất cứ một lực lượng ngoại nhập nào tính liều mạng giải phóng tù binh nhà lao Cây Dừa.
Nhà tù Phú Quốc là một bằng chứng sống động ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Tù binh chiến tranh tại nhà tù Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn rất dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống... Song với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, anh em đã đối phó với chúng bằng nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, phân hoá hàng, ngủ địch, diệt ác ôn, tổ chức vượt ngục...
Trại giam tù binh Phú Quốc được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1993.
Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc ngày nay không rộng, nằm trên khu vực chính nhà lao cũ, có nhà trưng bày hiện vật xây hai tầng và khu trưng bày ngoài trời những hiện vật nguyên gốc và hầu như giữ nguyên vị trí.
Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình như: 5 nhà tiền chế gồm nhà giam, nhà ăn, nhà bếp và hai nhà canh giữ của giám thị; phục hồi đường ngầm vượt ngục, một đoạn hàng rào kẽm gai, chòi canh, chuồng cọp, đài tưởng niệm ở nghĩa địa tù binh và nhà trưng bày bổ sung di tích…
Mỗi năm khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc đón hàng vạn lượt khách tới thăm. Họ là những tù nhân cũ trở về thăm lại nơi mình bị giam giữ trước đây; là những du khách mọi lứa tuổi ở khắp các miền đất nước, đặc biệt lớp trẻ khi đến với Phú Quốc chắc chắn sẽ tới thăm di tích này; là những vị khách nước ngoài. Còn học sinh của hòn đảo này thường đến đây để tìm hiểu về lịch sử của Phú Quốc và cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng.
Những hình ảnh tái hiện về một nhà tù một thời từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”:
|
Cổng bộ chỉ huy Trại giam tù binh Phú Quốc |
|
Một góc Trại giam tù binh Phú Quốc |
|
Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Mỗi khu trại giam được chia làm nhiều phân khu, mỗi phân khu chứa được 950 tù binh. |
|
Nhà tù Phú Quốc là nơi tập trung điển hình về tội ác của chế độ thực dân, đế quốc. Ở đây kẻ thù tự đặt ra nhiều kiểu hành hạ tra tấn tù bình dã man, tàn độc hơn cả thời Trung cổ, gây ra cái chết thảm khốc của hơn 4.000 tù nhân. "Đánh tù nhân bằng roi cá đuối" là một trong những cách tra tấn trong ảnh. Chúng bắt người tù cởi quần áo, hai tay giơ lên. Cai ngục dùng roi cá đuối đầy gai sắc quất vào thân thể người tù, rồi giật mạnh, làm cho da thịt rách theo.Có khi cai ngục dùng muối trộn ớt bột xát vào vết thương để người tù thêm đau đớn. Đầu năm 1970, phái đoàn Chữ Thập Đỏ Quốc tế khi đến thị sát nhà tù Phú Quốc đã bắt gặp một chiếc roi cá đuối dính máu khô. |
|
“Đóng đinh vào người tù nhân”: Cai ngục dùng những chiếc đinh 3 đến 10cm đóng vào các ngón tay, mu bàn tay, xương bả vai, đầu gối, kể cả vào đầu của tù binh trong quá trình tra tấn. Qua các đợt khai quật hài cốt những tù binh bị giết hại ở Phú Quốc, đã phát hiện nhiều người bị đóng 5-6 cây đinh vào các điểm yếu trên cơ thể. Có người bị đóng đinh đến chết, sau này khi bốc mộ vẫn còn đinh găm trong hài cốt. |
|
Đục răng tù nhân: cai ngục kê đục vào sát chân răng của người tù, dùng búa đóng làm răng gẫy văng ra. Có khi ngục bắt tù nhân cầm đục cho chúng đục. Bẻ răng: cai ngục bắt tù nhân cắn một đầu đục, rồi dùng chiếc khác đập lên hoặc xuống đầu kia làm cho răng gãy |
|
"Dùng ván ép lồng ngực tù nhân": cai ngục dùng 2 tấm ván ép vào ngực và lưng tù nhân. Sau đó xiết bù long ở 2 đầu, làm tù nhân bị vỡ lồng ngực, ép tim và tắt thở. |
|
Bắt tù nhân Lộn vỉ sắt: các tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn dùng lót đường băng sân bay, phía dưới có nhiều cạnh sắc và đầy mấu rồi bắt tù binh cởi hết áo, quần, chỉ còn chiếc quần đùi. Người tù bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn nhiều lần. Thân thể người tù bị tóe máu, tóc bị bứt, da tróc tả tơi. |
|
Dìm người tù vào chảo nước sôi: cai ngục bắt người tù ngồi xuống, lấy bao bố trùm lên rồi dìm vào chảo nước sôi. Ba người tù ở phân khu C6 đã bị luộc chết. |
|
Chuồng cọp kẽm gai tra tấn người tù được làm ngoài trời trên nền cát. Tù nhân bị nhốt vào đây sau khi bị lột bỏ quần áo, và bị bỏ đói vài ngày liền |
|
Tái hiện những hàng rào thép gai dày đặc, bao quanh các phân khu, chỗ dày có thể từ 10-15 lớp rào, chỗ mỏng cũng 5 -7 lớp rào. |
|
Phía trên mắc dây điện trần và đèn bảo vệ. Bên ngoài có các tháp canh (ảnh nhỏ) |
|
Giếng nước cung cấp nước sinh hoạt cho cả nhà tù còn được giữ nguyên. |
|
Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996. Hàng năm nơi này đón hàng chục vạn du khách đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử nhà tù. |