Tổng cục Thanh tra, Kiểm dịch Động thực vật và Thủy sản Hàn Quốc vừa thông báo kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với ngưỡng dư lượng không được vượt quá 0,01 ppm. Như vậy đây là thị trường thứ 2 sau Nhật Bản ra quy định kiểm tra này. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết vấn đề Ethoxyquin đang ảnh hưởng lớn với xuất khẩu tôm của nước ta.

PV: Thưa ông, thị trường Hàn Quốc đã đưa ra mức dư lượng Ethoxyquin để kiểm tra tôm nhập khẩu từ Việt Nam là 0,01 ppm. Trước thực tế này Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có đề xuất gì với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Từ tháng 10/2012, Hàn Quốc đã kiểm tra ở mức 30%, nhưng hiện nay họ đưa ra mức kiểm dư lượng giới hạn thấp nhất là 0,01 mg/kg. Đây là mức khá thấp bởi thực ra Ethoxyquin không phải kháng sinh mà nó là chất để chống oxy hóa đang được phép sử dụng cho bột cá để dùng làm thức ăn cho tôm.

xuatkhautom.jpg
Xuất khẩu tôm tăng khó vì rào cản Ethoxyquin  (Ảnh: vietfish.org)

Các doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT,  đối với trong nước có những văn bản hướng dẫn, thông báo kịp thời. Cùng với đấu tranh quốc tế, cần có biện pháp để họ đưa mức dư lượng Ethoxyquin lên ở mức như Hiệp hội đã đề nghị là 100 ppm, mức khả dĩ hơn, còn áp dụng mức quá thấp thì không thực tế.

PV: Vấn đề dư lượng Ethoxyquin không phải mới, trước Hàn Quốc, Nhật cũng đã đưa ra mức kiểm nghiệm này từ gần 1 năm nay. Nhưng tại sao đến nay việc này vẫn chưa khắc phục được, có vướng mắc ở đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Nam:Nhật Bản bắt đầu áp dụng kiểm tra Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ 18/5/2012, lúc đó Hiệp hội đã có công văn gửi Bộ cũng như Tổng cục với thông điệp là cần phải có đấu tranh quốc tế; kiến nghị Tổng cục Thủy sản có khảo nghiệm đánh giá xem hiện tại mức thực tế của Ethoxyquin còn tồn dư là bao nhiêu, vì mức mà Nhật đưa ra 0,01 mg/kg là thấp quá.

Hiệp hội cũng đề nghị Tổng Cục Thủy sản xem xét để có điều chỉnh quy định để mức dư lượng Ethoxyquin trong bột cá cũng như trong thức ăn nuôi tôm ở mức chấp nhận được. Hiện nay, mỗi lô hàng doanh nghiệp muốn xuất đi là phải lấy mẫu để kiểm nghiệm từ khi nguyên liệu còn ở dưới ao cho tới trước khi xuất khẩu ít nhất là 5,6 lần nhưng vẫn có tỷ lệ bên kia họ kiểm thấy. Đây là khó khăn rất lớn về mặt kỹ thuật mà phía Hiệp hội cũng cùng với phía Cục Quản lý chất lượng cố gắng chứng minh để có kiến nghị với Nhật Bản.

Về truyền thông để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người nuôi thì cả phía Hiệp hội thủy sản cũng làm rất tốt. Tổng cục cũng làm khảo nghiệm để có kết quả, đấu tranh quốc tế thì làm rồi. Nhưng hiện nay phía Nhật Bản phản ứng, để có điều chỉnh theo ý mình thì chưa. Hiệp hội cũng đang tiếp tục và cũng phải đang chờ giải quyết từ phía Nhật Bản.

PV: Thưa ông, thực tế việc kiểm tra Ethoxyquin tại các thị trường này đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu thủy sản của nước ta?

Ông Nguyễn Hoài Nam:Ảnh hưởng nhiều bởi vì Nhật Bản đang là 1 trong 3 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam. Mỗi năm thị trường Nhật Bản cùng với Châu Âu, Mỹ đang tiêu thụ ở mức từ 1 - 1,1 tỷ USD. Tôm lại là mặt hàng chính lớn nhất, chiếm tới 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản là tôm. Vừa rồi, chỉ trong vòng có 6, 7 tháng áp dụng Ethoxyquin trong năm 2012, giá trị xuất tôm sang thị trường này đã giảm đáng kể.

Thực tế hiện nay tác động nhìn rõ ràng là xuất khẩu giảm. Các doanh nghiệp  thậm chí nhiều đơn hàng đã kiểm tra 5, 6 lần rồi nhưng vẫn không dám xuất hàng đi, vì nó ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, thiệt hại tới kinh tế của công ty. Năm 2013, nếu vấn đề Ethoxyquin ở Nhật Bản và cả Hàn Quốc không được giải quyết thì xuất khẩu sang hai thị trường lớn và chính này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!